Tiền lẻ hơn thẻ... ưu tiên

Tết năm nào cũng vậy, nhiều người cứ lo về nỗi đổi tiền lẻ, tiền mới để đi lễ và mừng tuổi cho bọn trẻ. Giàu hay không giàu thì cũng phải lo một khoản để lì xì cho trẻ mỏ nó mừng, năm mới mà lại. Và thế là dân "buôn tiền" phất to.


Cứ ra góc phố Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng của Hà Nội hay các cổng đền, chùa dịp cận Tết và Tết thì đủ thấy: 10 ăn 8, thậm chí 10 chỉ ăn 7, tiền mệnh giá càng nhỏ, chênh lệch càng cao, lãi đến 20 - 30%. Tỷ lệ ấy - nhiều người kinh doanh các ngành hàng khác (tầm lớn hơn nhiều) phải mơ ước.

Vấn đề là, để có khoản lãi ấy, dân "buôn tiền" lấy tiền lẻ ở đâu? Câu trả lời: Tất nhiên tiền lẻ, mà lại là tiền mới, phải ở các ngân hàng mà ra.

Và Tết năm nào cũng vậy, những người có người quen làm việc ở ngành ngân hàng lại mang tiền chẵn đi nhờ đổi tiền lẻ, đổi cho mình và một số họ hàng, bằng hữu, đổi xong thì hỉ hả, vui... gần như Tết.

Theo đại diện một ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước năm nào cũng lập kế hoạch và có sự chuẩn bị chu đáo cả về cơ cấu và mệnh giá cho việc cấp tiền lẻ, tiền mới dịp Tết. Về lý thuyết, người dân có thể đến bất cứ chi nhánh, phòng giao dịch nào của tất cả các ngân hàng thương mại để đổi tiền.


Nhưng chính vị này phải thừa nhận rằng, trên thực tế, "đường đi" của tiền lẻ khá phức tạp, nhiều "ngả rẽ" cho các… mối này nọ. Cho nên, mới có cảnh dân tình chạy nháo nhào vì tiền lẻ mỗi dịp cuối năm. Cho nên, mới có những người kiếm lợi không nhỏ từ tiền lẻ.

Trong chuyện tiền lẻ, tiền mới cho dịp Tết, phải khẳng định vấn đề không phải ở nguồn "cung" mà nằm ở khâu phân phối. Vậy ai là người “phân phối”? Câu hỏi này không khó trả lời.

Tiền lẻ, tiền mới cho dịp Tết không phải là vấn đề lớn của quốc gia đại sự, nhưng lại không kém phần quan trọng đối với mỗi người dân. Và câu chuyện này lại là dẫn chứng khá sinh động cho quy luật "Không sợ thiếu, chỉ sợ… người phân phối không công bằng".

Hà Nguyễn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN