“Tàu anh”... tụt dốc

Báo chí mấy ngày gần đây đồng loạt thông tin Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ký quyết định (số 1552/QĐ-BGTVT ngày 25/4) tạm đình chỉ chức Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Hữu Thắng do ông này phát ngôn thiếu trách nhiệm khi đề cập tới dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.


Bộ trưởng Thăng cho rằng, phát ngôn của ông Thắng đã gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành Giao thông vận tải. 


Chưa hẳn là “giậu đổ bìm leo”, nhưng với thực trạng của ngành đường sắt hiện nay, thì quyết định của người đứng đầu ngành GTVT được nhiều người đồng tình, ủng hộ.


Cách đây chưa lâu, tại hội nghị tổng kết của ngành, Bộ trưởng Thăng từng phê bình lãnh đạo ngành đường sắt mải chơi golf mà bê trễ công việc, trong khi công nhân không có việc làm, thu nhập người lao động thấp. Ông còn yêu cầu đơn vị thuộc quyền làm rõ hoạt động chơi golf của lãnh đạo ngành này, tùy theo mức độ của từng cá nhân, tập thể chơi golf làm ảnh hưởng đến công việc chung, để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.


Giờ lại thêm “sự cố” một dự án đường sắt không chỉ chậm tiến độ, mà còn bị đội vốn thêm vài trăm triệu USD, thì quyết định của Bộ trưởng Thăng được coi là đúng đắn và kịp thời.


Trong suy nghĩ của nhiều người, ngành đường sắt trong những năm gần đây vẫn chưa thoát khỏi sự trì trệ, lạc hậu từ thời bao cấp, gây cản trở tới sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Sự bê bết của ngành đường sắt được cho là bắt nguồn từ sự độc quyền, hay nói cách khác là từ chính lợi ích cục bộ và tư duy kiểu “ngồi chờ sung rụng” của lãnh đạo ngành này. Không thể hình dung, hệ thống hạ tầng cũng như phương tiện của ngành đường sắt chẳng được cải tiến là bao; dịch vụ thì nghèo nàn mà lại đắt đỏ, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, cung cách phục vụ yếu kém...


Dường như, phương tiện tàu hỏa chỉ được hành khách quan tâm vào những dịp lễ, Tết. Còn vào những ngày bình thường, một toa tàu chỉ lèo tèo vài hành khách. Ấy vậy, ngay cả vào dịp cao điểm, ngành đường sắt cũng bộc lộ rõ sự trì trệ trong cách thức phục vụ, khi hành khách phải xếp hàng dài chen chúc mua vé chẳng khác thời bao cấp vào dịp Lễ, Tết… Không chỉ vậy, nhiều nhân viên của ngành lợi dụng dịp lễ, Tết đưa khách "chui" lên tàu để kiếm chác. Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, bình quân số người sử dụng phương tiện đường sắt chỉ là 0,12 lần. Nói một cách khác, mỗi người dân bình quân 9 - 10 năm mới đi tàu hỏa một lần. Và với một thị phần hơn 90 triệu dân, thì rõ ràng ngành đường sắt nước ta tụt hậu khá xa so với thế giới.


Dù được xác định là một trong những ngành vận tải then chốt trong phát triển đất nước, thế nhưng sự trì trệ đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới một cách toàn diện đối với ngành đường sắt. Đã tới lúc cần phải có một cuộc cách mạng thực sự đối với ngành đường sắt nước nhà; mà cuộc cách mạng này phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.


Xin mượn tựa đề bài hát của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa trong những năm 80 của thế kỷ trước để so sánh với thực tại của ngành đường sắt nước nhà khi đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Đã là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không, nếu như ngành đường sắt không muốn ca mãi điệp khúc “Tàu anh”... tuột dốc.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN