Sứ mệnh khai sáng

Lại đến một ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam.

Đây là dịp không chỉ để tôn vinh các nhà giáo hay để các học sinh, sinh viên bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô; mà rộng lớn hơn là cả xã hội – các thế hệ học trò - đều thể hiện lòng tri ân với những người thầy. Tất cả chúng ta ai cũng đã từng là hoặc đang là học trò, và do vậy, ai cũng có thầy cô. Vì thế trong tình cảm của dân tộc thì nghề dạy học và người thầy luôn chiếm một vị trí đặc biệt cao cả. Trong lòng mỗi người đều có những kỷ niệm sâu đậm với các thầy cô giáo. Đó là nền tảng tạo nên truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.

Tình nghĩa thầy trò có ý nghĩa phổ quát toàn nhân loại, nhưng ở Việt Nam ta có nhiều nét đặc biệt hơn. Đã có biết bao câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Nhiều thầy giáo đã coi học trò như con đẻ, không chỉ dạy “chữ thánh hiền” mà còn trau dồi phẩm giá và nhân cách, lối sống và đạo đức để đào tạo ra những thế hệ “ vừa hồng và vừa chuyên”. Nhiều học trò qua sự dạy dỗ (và không ít người nhận được cả sự nuôi nấng) của thầy giáo làng từ mái trường làng mà hun đúc lòng yêu nước, trách nhiệm công dân, mở mang trí tuệ, suốt đời học hỏi để trở thành những trụ cột, “lương đống” của quốc gia. Có nhiều học trò trọng thầy như cha mẹ. Nhiều người khi đã trở thành trọng thần của triều đình, đứng vào hàng tam công mà vẫn bỏ cả ngựa xe, võng kiệu đi chân đất vào bái tạ thầy.

Lễ nghĩa đó không phải ở đâu cũng có.

Suốt ngàn năm nho học, không phải học trò nào cũng được vào trường quốc học, mà hầu hết là môn sinh của các thầy đồ. Nền “giáo dục thầy đồ” dù còn nặng về văn chương, cử tử, đôi khi chưa sát với thực tế nhưng đã tạo ra một tầng lớp nho sinh trọng liêm sỉ, có cốt cách chân chính và có tinh thần yêu nước, thương dân. Tạo cho họ một nền tảng về bản lĩnh và nhân cách để vào đời, tiếp tục học tập và cống hiến cho đất nước.

Nối tiếp truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc ta, ngày nay cũng có rất nhiều tấm gương sáng ngời về tình nghĩa thầy trò. Cảm động biết bao những thầy cô “cắm bản” ở vùng núi cao, nơi biên cương đã trèo đèo lội suối hàng ngày trời để tới từng nhà vận động học sinh đến lớp. Thầy cô chia những đồng lương ít ỏi của mình cho học sinh bán trú xa nhà để có một bữa ăn có cá, thịt, một chiếc áo ấm qua mùa đông giá lạnh. Những thầy cô “quên” cả tuổi xuân của mình gắn bó với học sinh vùng biển xa, núi cao; đêm đêm miệt mài dạy thêm cho học sinh không một đồng thù lao mà chỉ với một mục đích duy nhất là làm sao cho các em học hành đến nơi đến chốn, trở thành một người tốt, một cán bộ tốt để giúp dân bản, xây dựng bản làng ấm no, tạo dựng cho nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Tâm huyết và hành động đó của những thầy cô “cắm bản” thật sự đã mang sứ mệnh khai sáng của những người thầy.

Cả dân tộc Việt Nam, đời trước truyền đời sau lòng tri ân sâu sắc nhất với các thế hệ thầy cô giáo bởi chính vì sứ mệnh cao cả này.

Nguyễn Quang Vinh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN