“Sốc” với nạn bạo hành trẻ em

Bàng hoàng, phẫn uất, rơi lệ,... đó làm cảm nhận chung của nhiều người sau khi xem đoạn clip với những cảnh tưởng chỉ có trong phim kinh dị như bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bẩn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt, ép lũ trẻ ăn đến phát ói, dốc đầu trẻ vào thùng nước… mà các bảo mẫu ở trường mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) dùng để “dạy” các bé mầm non từ 1 đến 2 tuổi.

 

Thực tế có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân xảy ra trong thời gian gần đây. Nhưng với vụ bạo hành trẻ của các bảo mẫu ở trường mầm non tư thục Phương Anh thì dư luận cảm thấy đã hết sự kiên nhẫn. Nhìn những đứa trẻ vô tội, đáng ra phải được sự chăm sóc, bảo vệ của người lớn, thì chúng bị các bảo mẫu đè đầu, vặn cổ, dùng cực hình ép chúng phải ăn... Đó là hành động độc ác, man rợ của những kẻ mang danh bảo mẫu.


Một lẫn nữa câu hỏi trách nhiệm được đặt ra là vì sao những đứa trẻ bị hành hạ trong thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện? Vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể, vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu? Từ vụ việc thương tâm xảy ra ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, đã cho thấy, các cấp chính quyền địa phương và một số cán bộ có trách nhiệm đã không làm tròn bổn phận, thực hiện chưa nghiêm, chưa đầy đủ kịp thời và để lại hậu quả nghiêm trọng.


Có một thực tế được dư luận cảnh báo từ rất lâu, đó là khoảng trống của các cơ sở nuôi giữ trẻ ở những khu công nghiệp, khu chế xuất. Phần lớn những người lao động ở đây, cuộc sống hết sức khó khăn, họ không có điều kiện để gửi con em mình ở những cơ sở nuôi dạy trẻ công lập. Bởi vậy, không còn cách nào khác, vì kế sinh nhai, họ đành nhắm mắt gửi con em mình vào những cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân, nên những vụ việc hành hạ trẻ đáng tiếc xảy ra cũng là dễ hiểu. Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội, sự biến động của môi trường sống, tình trạng gia đình dân nhập cư đổ về các trung tâm thành phố, đã kéo theo sự gia tăng số lượng trẻ ồ ạt, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, nơi trông giữ trẻ không đáp ứng được... Khó khăn về kinh tế, nên những người dân nhập cư đành phải gửi con tại các nhà trẻ tư, nhóm trẻ hay nhờ những bảo mẫu là người thân quen không có trình độ chuyên môn trong công tác nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Trong khi đó, công tác kiểm tra của các cấp quản lý tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ chưa kịp thời và triệt để. Sự thiếu quan tâm, kiểm soát của người dân xung quanh khu vực trẻ được nuôi dưỡng..., cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến những hành vi bạo hành xảy ra cho trẻ.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bạo hành. Trước hết là đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng và hạn chế về kinh nghiệm. Nhận thức của một bộ phận người dân còn chưa đầy đủ, khiến hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn. Bên cạnh đó, việc xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin về trẻ bị xâm hại, lạm dụng chưa được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm đúng mức, dẫn tới việc can thiệp, trợ giúp khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại không kịp thời...


Trẻ em là đối tượng không có khả năng tự vệ, vì vậy mà các em rất cần một môi trường sống an toàn. Trách nhiệm của người lớn là chăm sóc, bảo vệ quyền lợi trẻ em, để tuổi thơ của trẻ em được phát triển trong một môi trường lành mạnh, trong vòng tay nhân ái của cộng đồng. Đó cũng là cơ sở giúp trẻ chủ động học theo cái tốt, tránh xa cái xấu, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng để khi bước vào đời, các em có niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống. Từ những vụ việc thương tâm xảy ra ở một số cơ sở trông giữ trẻ tư nhân trong thời gian gần đây, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra các nhà trẻ về chuyên môn, nghiệp vụ để phòng tránh các nguy cơ xấu có thể xảy ra đối với trẻ em.


Y.N

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN