Quyền lực mềm và đòn trừng phạt

Cuối cùng, sau ròng rã một thập kỷ đàm phán, các cường quốc phương Tây và Iran đã có thể cùng đặt bút ký chung vào một thỏa thuận hạt nhân. Dù văn kiện này chỉ mang tính tạm thời, song nó được nhìn nhận như một bước đột phá hứa hẹn những chuyển biến theo hướng tích cực trong mối quan hệ vốn chưa bao giờ “xuôi chèo mát mái” giữa Tehran và phương Tây - với Washington ở “đầu sóng”.


Những “cái được” trong thỏa thuận này thì đã rõ và không cần luận bàn thêm nữa. Tuy nhiên, phân tích sự “đồng thanh tương ứng” hiếm hoi giữa những nhân tố luôn ở hai cực này từ góc độ là một phần trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đây có thể coi là thành công của “quyền lực mềm” mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama theo đuổi từ những năm đầu của nhiệm kỳ thứ nhất. Khái niệm này đồng nghĩa với chọn con đường đối thoại với các nước đối địch, can thiệp vũ trang luôn là giải pháp cuối cùng và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Áp vào trường hợp của Iran, dường như chính sách này đã phát huy hiệu quả.


Hồ sơ hạt nhân của Iran là vấn đề đeo đẳng các đời tổng thống Mỹ khi trong hơn 30 năm qua, hai nước luôn ở hai đầu chiến tuyến và quan hệ bị đóng băng. Người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống George W.Bush còn liệt Iran vào cái gọi là “trục ma quỷ”. Trở thành ông chủ của Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã gây sốc chính giới Mỹ, đặc biệt là những nhân vật Cộng hòa bảo thủ, khi tuyên bố Mỹ có thể can dự với các nước đối địch, trong đó có Iran, và rằng Washington sẽ chìa cành ôliu cho các đối thủ của mình nếu họ có những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền Obama đã không thể đưa Iran tới bàn đàm phán. Phải đợi tới năm nay, khi chính khách theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani đắc cử tổng thống Iran mọi việc mới chuyển động.


Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không bàn tới vai trò của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà chính quyền Obama áp đặt song hành cùng với “cành ôliu” mà họ chìa ra với Iran. Nền kinh tế của nước CH Hồi giáo này đã kiệt quệ do các lệnh trừng phạt của phương Tây mà đi đầu là Mỹ. Cùng với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ đình trệ, bị hạn chế tiếp cận các quỹ tài chính, tài khoản ở nước ngoài… chính quyền Tehran đang đối mặt với không ít khó khăn trong nước khi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát leo thang. Chiến thắng của giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã phản ánh tâm trạng mệt mỏi, chán chường và mong mỏi về một sự thay đổi của người dân Iran.


Vì thế, thỏa thuận hạt nhân là một kết quả tất yếu dù thế trận vẫn căng như dây đàn tới tận phút chót. Vậy nên, không thể nói quá về một sự hòa giải hay một sự điều chỉnh theo hướng mềm mại hóa vấn đề của Chú Sam với những nước đối địch. Dù sao, ở đây cánh cửa cũng đã hé mở, song nó có thực sự là rộng mở hay chỉ là khe cửa hẹp thì cần có thời gian để kiểm chứng.


Phương Hồ

Nghịch lý từ thỏa thuận hạt nhân với Iran
Nghịch lý từ thỏa thuận hạt nhân với Iran

Nếu như các nước đưa Iran tới bàn đàm phán thực sự muốn có một thế giới phi vũ khí hạt nhân thì họ cũng nên thực hiện bổn phận mà họ đã phớt lờ suốt hơn 40 năm qua, đó là giải giáp kho vũ khí hạt nhân của chính mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN