Phải giữ thanh danh người thầy thuốc

Trên mạng Internet đang lan truyền đoạn clip phản ánh việc một y tá của Khoa nội soi, Bệnh viện K Trung ương vòi người nhà bệnh nhân đưa 200.000 đồng nếu muốn lấy kết quả nội soi nhanh. Sự việc trên nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là trong bối cảnh Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định quy tắc ứng xử của nhân viên y tế, trong đó: Nghiêm cấm cán bộ y tế thờ ơ, gây khó khăn cho người bệnh, đại diện của người bệnh, nghiêm cấm lợi dụng nghề nghiệp để thu lợi.

Dẫu nhân vật chính được đề cập trong đoạn clip (y tá N.T.L) đã bị hội đồng kỷ luật của Bệnh viện K Trung ương kỷ luật cảnh cáo, chấm dứt hợp đồng, nhưng từ vụ việc vừa nêu, một lần nữa lại xới lên vấn đề lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người thầy thuốc (mà xã hội thường gọi là y đức).

Thực tế cho thấy, ở các bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử của nhân viên y tế không còn là hạn hữu. Thiếu sự đồng cảm, thiếu sự ân cần, tỷ mỷ trong việc khám, điều trị là điều dễ thấy ở đội ngũ nhân viên y tế, nghiêm trọng vẫn còn tình trạng vòi vĩnh bệnh nhân (người nhà bệnh nhân) như trường hợp vừa xảy ra ở Bệnh viện K Trung ương.

Cần phải nhận thức rằng, y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, thể hiện ở một thầy thuốc không chỉ có chuyên môn giỏi, mà còn có đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, hết lòng phục vụ người bệnh. Đáng tiếc, thời gian gần đây, vì nhiều lý do mà thái độ phục vụ của nhân viên y tế phần nào đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thấy thuốc. Vẫn biết, những tác động tiêu cực của đời sống xã hội ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của người thầy thuốc. Ở khía cạnh nào đó thì cũng có thể thông cảm, bởi trong điều kiện làm việc đầy rủi ro, khó khăn, vất vả, cường độ lao động cao, trách nhiệm lớn…, khó tránh khỏi những hệ lụy ảnh hưởng tới tinh thần thái độ của người thầy thuốc.

Dễ nhận thấy các biểu hiện vi phạm thường thấy trong một bộ phận thầy thuốc là: kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng của dược viên; móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư; thiếu tôn trọng bệnh nhân; lơ là, sao nhãng không hoàn thành nghĩa vụ; gây khó khăn cho bệnh nhân để nhận tiền bệnh nhân….. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Có đến 74% bác sĩ khi được phỏng vấn họ đều cho rằng là do lương thấp. Ngoài ra là do quá tải, trình độ chuyên môn kém, chưa thực sự yêu nghề và một phần cũng do chưa được đào tạo về đạo đức nghề nghiệp; rồi vấn đề đãi ngộ chưa thật sự công bằng...

Có thể, người bệnh có sự cảm thông nhất định trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, người thầy thuốc cũng không thể lấy đó để biện minh cho thái độ ứng xử không đúng mực với người bệnh dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Với người thầy thuốc có y đức, làm việc với lương tâm và trách nhiệm, thì dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng sẽ hành động vì tình người, tự đề kháng với những tiêu cực làm ảnh hưởng đến thanh danh của người thầy thuốc.

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN