Phải chỉ đích danh doanh nghiệp chây ì giảm giá cước

Câu chuyện giá xăng dầu liên tiếp giảm (suốt từ tháng 7 đến nay với mức giảm tới 35%), nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn không chịu giảm giá cước đang gây bức xúc trong dư luận.

Khi các doanh nghiệp vận tải cố tình chây ì, cơ quan quản lý thì lúng túng chưa tìm được giải pháp xử lý, không ai khác, chính người dân đang phải gánh những khoản chi vô lý này.

Ở thời điểm xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lập tức tăng giá cước, cũng chẳng hề ngượng ngùng khi kêu gọi người tiêu dùng chia sẻ khó khăn với họ. Nhưng khi giá xăng dầu giảm, thì họ lại không chia sẻ, nại đủ lý do để níu giữ giá cước, bắt chẹt khách hàng.

Quanh việc giá xăng giảm nhưng giá cước vận tải không giảm, đã cho thấy rõ có sự bắt tay, liên kết của các doanh nghiệp vận tải nhằm thao túng giá cước; đồng thời cũng cho thấy sự vào cuộc chậm chạp của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tìm ra giải pháp để xử lý.

Lý do khiến giá cước vận tải không giảm, trước hết là do mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là doanh thu càng lớn, lợi nhuận càng cao càng tốt. Thế nên, khi giá nhiên liệu tăng, họ hùa nhau tăng giá cước đồng loạt. Nhưng khi giá nhiên liệu giảm, thì họ câu kết, bắt tay nhau… câu giờ!

Còn ở góc độ quản lý, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa thật sự tốt trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt đơn vị vi phạm. Cụ thể, sự chủ động của cơ quan được phân cấp quản lý (giao thông vận tải, tài chính, công thương) còn hạn chế khi thị trường có biến động.

Có cảm giác, việc kéo giá cước vận tải giảm khi giá xăng dầu giảm kỷ lục thời gian qua, chẳng khác nào người tiêu dùng cần một sự ban ơn vậy. Quy luật của thị trường là khi chi phí đầu vào giảm, thì đương nhiên giá thành sản phẩm (hay giá dịch vụ) phải giảm.

Nhưng đối chiếu với thực tế giá xăng giảm trong thời gian vừa qua, thì vấn đề lại không theo nguyên tắc như vậy, cũng không phản ánh đúng các tín hiệu khách quan của thị trường.

Dù rằng, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các bộ, ngành địa phương phối hợp để kiểm tra việc kê khai giá cước vận tải. Tuy nhiên, với vai trò của mình, các cơ quan chức năng lại không thể ra tay vì không có đủ chế tài để xử lý, hoặc một số quy định nay không còn phù hợp.

Để giá cước vận tải giảm theo giá xăng dầu, có ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi quy trình quản lý giá cước, bởi quy trình đang thực hiện bộc lộ rất nhiều bất cập, gây lãng phí cho xã hội và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi muốn điều chỉnh giá cước phải kê khai giá với cơ quan quản lý, sau đó gửi hồ sơ tới trung tâm đo lường chất lượng sản phẩm để gài lại đồng hồ.

Như vậy, mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp phải mất thời gian chờ đợi, mất thêm chi phí. Đây cũng là lý do mà các hãng taxi vin vào để giải thích việc chậm giảm giá cước.

Các doanh nghiệp vận tải tuyến khác cũng vậy, thường vin vào việc phải chờ cơ quan thuế, giá, giao thông vận tải phê duyệt mức giá mới, rồi chờ in lại vé... để tiếp tục nấn ná... mà không sợ bị xử phạt.

Cần phải thấy rằng, không thể trông chờ vào ý thức tự giác của doanh nghiệp vận tải trong việc giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm. Vấn đề đặt ra là phải chỉ đích danh các doanh nghiệp toan tính, kinh doanh theo kiểu “đục nước béo cò”; đồng thời phải có chính sách buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với giá, chất lượng, dịch vụ mà họ cung cấp.

Đang vào thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân thường tăng đột biến. Do vậy, sự bùng nhùng trong giá cước vận tải nếu không được giải quyết triệt để, chắc chắn “thượng đế” sẽ tiếp tục phải è cổ gánh hậu quả từ các ông chủ doanh nghiệp vận tải tham lam, chụp giật.


Yến Nhi


Xăng giảm, hàng tiêu dùng vẫn 'án binh bất động'
Xăng giảm, hàng tiêu dùng vẫn 'án binh bất động'

Dù giá xăng liên tiếp giảm mạnh trong thời gian qua và các doanh nghiệp vận tải, bến xe cũng đã có kế hoạch giảm giá, song các mặt hàng tiêu dùng vẫn “án binh bất động”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN