Phá sản 'hộp đen' xe khách

Những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong những ngày gần đây khiến nhiều người hoài nghi về kết quả của việc lắp thiết bị giám sát hành trình xe khách (hộp đen) rậm rịch triển khai từ cuối năm 2012. 

Lắp “hộp đen” cho xe khách là quy định bắt buộc theo Nghị định 91 của Chính phủ (từ 1/7/2015, áp dụng cả với xe taxi) sau hàng loạt tai nạn giao thông thảm khốc mà không thể tìm ra nguyên nhân.

Hiểu nôm na, lắp “hộp đen” là nhằm mục đích ghi lại hành trình, tốc độ, thời gian làm việc của lái xe… để các chủ xe biết được tài xế của mình chấp hành Luật Giao thông đường bộ như thế nào, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Vậy mà, đã gần 3 năm trôi qua, cơ quan chức năng vẫn chưa thể xây dựng được bộ khung pháp lý để làm cơ sở cho việc xử phạt xe vi phạm. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít địa phương chưa có hệ thống máy chủ theo dõi và trên các quốc lộ, cũng chưa có trạm hoặc trung tâm kiểm soát hoạt động của xe khách thông qua “hộp đen”; lực lượng cảnh sát giao thông cũng chưa được trang bị những phương tiện cần thiết để phát hiện, xử lý vi phạm... Qua thí điểm kiểm tra Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát hiện, có không ít doanh nghiệp lắp “hộp đen” chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn thông qua “hộp đen” để giám sát lái xe của mình cũng không dễ và vẫn bị lái xe qua mặt.

Rất nhiều bến xe khách thực hiện quy định chỉ cho xuất bến xe đã gắn “hộp đen”. Tuy nhiên, khi thực hiện đã gặp không ít trắc trở, vì mỗi doanh nghiệp lắp đặt loại “hộp đen” khác nhau và mỗi loại có những cổng thông báo dữ liệu cũng khác nhau (chưa đồng bộ). Nhiều lái xe tỏ ra rất tự tin vì xe đã gắn “hộp đen”, nhưng không có cổng kết nối để trích xuất dữ liệu. Một số lái xe lại không biết xe có gắn “hộp đen” hay không, rồi cũng không biết “hộp đen” nằm ở đâu; thậm chí, có xe gắn “hộp đen” nhưng không có cổng kết nối để trích xuất dữ liệu… Đã bộc lộ rất nhiều bất cập, thông tin thiếu chính xác, thiết bị trục trặc, độ tin cậy chưa cao… Nhiều doanh nghiệp biết vậy nhưng không dám phản ánh. Chuyện “hộp đen” bị trục trặc, ngắt quãng khi xe đang lưu thông diễn ra như cơm bữa nên thực chất hộp đen chưa phát huy hiệu quả...

Như vậy, muốn cỗ máy “hộp đen” vận hành trơn tru thì còn rất nhiều việc phải làm. “Hộp đen” không phải là “cây đũa thần”, mang lại hiệu quả quản lý như kỳ vọng. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi doanh nghiệp không tự ý thức được mối nguy hiểm, không thường xuyên giáo dục tài xế ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Sẽ càng vô nghĩa nếu trên xe có “hộp đen” mà các doanh nghiệp chỉ lấy đó làm vì, vẫn đặt lợi nhuận lên trên hết, quay vòng xe nhanh, bắt lái xe chạy quá số giờ quy định.

Vấn đề đặt ra, nếu như lực lượng kiểm tra không làm tròn bổn phận, vẫn nhân nhượng, thỏa hiệp với người vi phạm để trục lợi; người vi phạm vẫn có thể chọn giải pháp "gọi điện thoại cho người thân",... thì “hộp đen” cũng dễ dàng bị vô hiệu hóa. Rõ ràng, chỉ phương diện kỹ thuật thôi chưa đủ, yếu tố có tính quyết định vẫn là ý thức tự giác của các doanh nghiệp, các chủ phương tiện khi thực hiện chủ trương này.

Yến Nhi

6 ngày nghỉ lễ, 162 người chết vì tai nạn giao thông
6 ngày nghỉ lễ, 162 người chết vì tai nạn giao thông

Trong kỳ nghỉ lễ dài 6 ngày đã có 263 vụ tai nạn xảy ra làm 162 người thiệt mạng, 184 người bị thương, 3 người mất tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN