Ổn định để phát triển

Năm 2011 đi qua với đầy những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, có cả những tác động khách quan do những biến động trên thế giới và cả những yếu tố nội tại, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,9% và lạm phát đã giảm dần theo từng tháng, tính chung cả năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 18,13%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thật vững chắc, khả năng lạm phát cao trở lại vẫn còn, lãi suất cao, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn... Vì vậy, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012 tổ chức cuối năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc nhở: "Chúng ta không thể chủ quan trong bối cảnh như vậy".

Do đó, Thủ tướng xác định ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là đường hướng hết sức quan trọng bảo đảm ổn định xã hội và tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững.
Lạm phát cao ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội, sẽ gây ra những biến động kinh tế hết sức nghiêm trọng, như biến dạng cơ cấu sản xuất, đầu tư, thu nhập bất bình đẳng, tỷ lệ thất nghiệp tăng... ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế... Đặc biệt, lạm phát cao ảnh hưởng xấu đến những người có thu nhập không tăng kịp mức tăng của giá cả, nhất là những người sống bằng thu nhập cố định như những người hưởng lương hưu hay công chức. Do đó lạm phát cao không những gây bất ổn cho nền kinh tế mà trước hết tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Vì vậy kiềm chế lạm phát được xác định là ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 chính là bảo đảm nền móng ổn định, vững chắc, cơ sở để một xã hội vận hành và phát triển.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trong năm 2012 kiềm chế lạm phát dưới 10% như đặt ra, trước tiên đòi hỏi sự chèo lái của Chính phủ với những giải pháp ở tầm vĩ mô, đặc biệt trong chính sách tiền tệ và giá cả...; nhưng điều đó chưa đủ mà còn cần sự đồng lòng vào cuộc, quyết tâm, hành động cụ thể của toàn xã hội. Lạm phát không chỉ do nguyên nhân kinh tế mà nhiều khi yếu tố xã hội, đặc biệt là tâm lý của người tiêu dùng cũng gây những đột biến về giá hết sức nguy hiểm. Do đó, kiềm chế lạm phát không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Bước vào năm mới 2012 sẽ có những thời cơ và thách thức mới, nhưng với đường lối kinh tế mà Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) đã xác định, với quyết tâm của Chính phủ và đồng lòng vào cuộc của toàn xã hội, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng sẽ vượt qua khó khăn, tạo sự ổn định để đưa đất nước phát triển bền vững.

Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi người dân... hãy thể hiện cao nhất trách nhiệm của mình trước vận mệnh đất nước và với chính cuộc sống của bản thân mình.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN