Nông thôn mới

Từ muôn đời nay nông thôn luôn là nơi khởi nguồn và phát triển nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nông thôn Việt Nam không chỉ là nơi sinh sống của hơn 70% dân số cả nước mà còn là kho tàng lưu giữ những giá trị đạo lý truyền thống, là chiếc nôi nuôi dưỡng văn hóa và là môi trường sáng tạo nên những giá trị nhân văn trong đời sống thường nhật của cả dân tộc.

Nông thôn, trong bất kỳ thời đại nào, vẫn là “cái gốc” của đất nước. Vì thế, trong mọi giai đoạn của lịch sử, khi nào nông thôn giàu đẹp, yên bình, nông dân no ấm thì đó là thời hưng thịnh của quốc gia. “Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” cũng là một trong sự “ham muốn tột bậc” của Bác Hồ, là một trong những mục tiêu cơ bản trong đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với nhân dân; trong đó cuộc sống nông dân được quan tâm đặc biệt.

Cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” sẽ được thực hiện trong 10 năm từ 2011 đến 2020 nhằm đảm bảo những quyền lợi thiết yếu đó với nông dân trên tất cả mọi vùng nông thôn trong cả nước. Nhìn rộng ra, đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Theo đó, nông thôn nước ta, trong 10 năm tới sẽ có những thay đổi to lớn cả về diện mạo cũng như về tiềm lực. Nông thôn sẽ được qui hoạch lại vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc lại vừa đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chất lượng cuộc sống của nông dân sẽ được nâng cao. Thực tế cho thấy, tại 11 xã điểm nông thôn mới được triển khai từ năm 2009, thu nhập của người dân đã tăng 20-30% nhờ hình thành các mô hình sản xuất mới hiệu quả cũng như phát huy những lợi thế của từng địa phương.

Những định dạng về nông thôn mới không chỉ dừng lại ở mục tiêu tăng mức thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân mà là một sự thay đổi vô cùng to lớn, toàn diện đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Những khó khăn mà người nông dân hiện nay ở nông thôn đang phải đối mặt sẽ được giải quyết một cách căn cơ. Những tồn tại của đời sống nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp sẽ được tháo gỡ từ trong nhận thức và được giải quyết thông qua các cơ chế chính sách của Nhà nước. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, và đã mang lại nhiều thành tựu to lớn. Chương trình xây dựng nông thôn mới là sự tiếp tục thực hiện các đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với các biện pháp đồng bộ hơn và hướng tới mục tiêu toàn diện hơn.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, hy vọng nông thôn nước ta sẽ không còn bị nhìn nhận là vùng quê lạc hậu với khoảng cách phát triển cách xa các đô thị được tính bằng thế kỷ mà nông thôn sẽ thật sự là nơi cung cấp nguồn nhân tài vật lực vô tận, bảo đảm tính trường tồn trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN