Nguy cơ khủng hoảng mới

Những ngày gần đây, Iran trở thành tâm điểm của các bản tin thời sự khi quốc gia Hồi giáo này lại một lần nữa trở thành mục tiêu trong một chiến dịch tấn công ngoại giao mới.

Mở đầu là việc Oasinhtơn cáo buộc rằng dưới sự chỉ đạo của một thành viên đội đặc nhiệm Quds thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), một đối tượng mang hai quốc tịch Mỹ - Iran, đã dùng 1,5 triệu USD để thuê một băng nhóm buôn ma túy ám sát Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ. Tất nhiên, Iran đã ngay lập tức bác bỏ các cáo buộc trên và tuyên bố sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để làm sáng tỏ vụ việc.

Dù vụ việc chỉ liên quan đến Arập Xêút, một quốc gia ở khu vực Trung Đông, song dường như mục tiêu của Mỹ không hạn chế ở phạm vi này.

Theo những kịch bản thông thường phương Tây đã từng thực hiện trước đây với một số quốc gia, sau khi mở màn bằng những lời cáo buộc, Oasinhtơn cùng với các đồng minh sẽ tìm mọi cách cô lập Iran trên trường quốc tế và kết thúc bằng lời kêu gọi kèm theo sức ép yêu cầu cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt Iran. Cách đây không lâu, Tổng thống Pháp Sarkozy cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng Iran sẽ đối mặt với nguy cơ bị tấn công quân sự nếu tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân. Người ta đang đặt câu hỏi liệu từ lời cảnh báo đó của Pari đến cáo buộc mới đây của Oasinhtơn có sợi dây liên hệ nào không?

Không phải bây giờ Iran mới bị đẩy vào tình thế bị cô lập ngay tại chính sân nhà Trung Đông. Đáng chú ý là cáo buộc của Oasinhtơn được đưa ra đúng vào thời điểm Xyri - quốc gia đồng minh của Iran tại khu vực đang bị kẹt trong cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Khi cuộc chiến ngoại giao giữa Iran với các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông bùng lên, có vẻ như thêm một đòn nữa được tung ra là việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố số liệu mới nhất cho thấy Iran đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân!

Trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đang bế tắc, phải chăng phương Tây đang tìm đến một biện pháp "phi đàm phán" hơn để buộc một Iran "cứng đầu" cuối cùng phải lùi bước trên bàn thương lượng?

Cả Iran, Mỹ và Arập Xêút đều đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham gia giải quyết vụ việc. Một cuộc chiến ngoại giao mới đã được châm ngòi. Không khí tại các phòng họp ở LHQ bắt đầu nóng lên. Trung Đông, vốn đang chìm trong hàng loạt bất ổn, lại đối mặt với nguy cơ lâm vào một cuộc khủng hoảng mới.

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN