Nghĩa cử tương thân, tương ái

Tết Bính Thân 2016 đã cận kề. Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước đang nỗ lực chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đã có những chuyến tàu chở quà Tết vượt thời tiết khắc nghiệt cập đảo Trường Sa, mang hơi ấm đất liền đến với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đang chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ để bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách, đó là trách nhiệm, cũng là đạo lý, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, cũng là hoạt động được sự quan tâm, ủng hộ của cả cộng đồng. Ngay từ những ngày cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. Cũng thời điểm nêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đã dành kinh phí và xây dựng kế hoạch tặng quà, chăm lo tết cho nhân dân Cùng với việc hỗ trợ gạo đối với hộ nghèo đói, việc chăm lo Tết được các tổ chức đoàn thể, địa phương phát động sự tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội. 

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai kế hoạch vận động chăm lo Tết cho hộ nghèo. Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố phối hợp với các đoàn thể tổ chức vận động và giới thiệu các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ tặng quà các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán... Dù đang phải vượt qua nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nhưng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội... vẫn nỗ lực vận động mọi nguồn lực chăm lo cái Tết vui tươi, đầm ấm cho các hộ nghèo. Càng khó khăn, càng cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần "lá lành đùm lá rách" trong các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những nỗi lo, những băn khoăn là làm thế nào để thực hiện cho thật tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm những phần quà Tết đến sớm, đến đúng địa chỉ, đến đúng đối tượng. Điều đó, tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải địa phương nào, đơn vị nào cũng thực hiện tốt. Đâu đó đã có địa phương, cơ sở thực hiện chưa chính xác việc thống kê đối tượng gia đình chính sách, người nghèo, cận nghèo. Những điều tiếng về hành vi bớt xén, sử dụng sai nguyên tắc, không đúng mục đích, không đúng địa chỉ các phần tiền Tết, quà Tết dành tặng người nghèo, gia đình chính sách... Rồi việc tổ chức tặng quà, ở nhiều địa phương có tâm lý làm cho xong, hời hợt, chú trọng nhiều tới thành tích... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm đầy tính nhân văn, truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc... Đã có những bài học đắt giá về chăm lo Tết cho người nghèo, hộ chính sách, mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức thiếu trách nhiệm của đội ngũ "công bộc"; trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, của chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phải khẳng định rằng, hoạt động hỗ trợ, chăm lo Tết cho hộ nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách thể hiện sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân. Các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác an sinh xã hội cũng nhằm hướng tới một mục đích là phát huy hiệu quả trong đời sống để phục vụ cao nhất lợi ích của người dân. Để những phần quà Tết được công bằng, thiết thực, đòi hỏi sự tận tâm của những người thực thi công việc cùng sự giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương.
Yến Nhi
Bài trừ hàng giả, hàng nhái
Bài trừ hàng giả, hàng nhái

Không quá khó để nhận ra hàng giả, hàng nhái đang chiếm tỷ lệ không nhỏ trên thị trường, thậm chí còn được bày bán công khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại và ở hè phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN