'Nghèo nàn' tri thức bảo tàng

Bảo tàng Hà Nội được xây để chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, sau chưa đầy 1 năm sử dụng, UBND TP Hà Nội đã phải kiểm điểm các đơn vị về sự cố thấm dột tại công trình này.

 

Bảo tàng Hà Nội vắng khách. Ảnh Internet.

Dột không phải do ít kinh phí (2.300 tỷ đồng), chắc là do kĩ thuật, chất lượng? Song, điều đáng nói là từ ngày khai trương đến nay, nó rất vắng vẻ mặc dù nằm gần trục đường qua lại tấp nập đêm ngày.


Khách đến tham quan về chỉ mỗi câu nhận xét:“trông nó đồ sộ thật!”. Hỏi về hiện vật, họ rất lơ mơ hoặc chẳng nhớ gì, bởi đến nay như nhiều người nói, bảo tàng này chỉ có vỏ mà chưa có ruột.


Đúng lúc Bảo tàng Hà Nội như một thực trạng sống về việc quy hoạch bảo tàng bị “chết yểu” thì thiên hạ lại sửng sốt nghe tin, hơn 11.000 tỷ đồng được duyệt để xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.


Kinh phí khổng lồ này làm “nóng dư luận” do được duyệt trong một bối cảnh kinh tế không mấy thuận lợi. Đó là hàng vạn doanh nghiệp phá sản, giá cả leo thang nhân dân phải thắt lưng buộc.


Gần đây, trong bài viết “phải biết hổ thẹn với tiền nhân”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhận định: “…ngân sách nhà nước thì còn rất eo hẹp, nợ công tăng lên, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng hóa tồn đọng nhiều, lạm phát đang ăn vào thu nhập người lao động… Đó thực sự là những áp lực không nhỏ, không chỉ với bộ máy Đảng, Nhà nước mà với toàn xã hội...”.


Trong cuộc sống mục đích việc làm thường chính đáng, ý nghĩa, không ai phủ nhận. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến hiệu quả thực. Năm ngoái, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được quyết định thành lập đúng lúc có cuộc vận động vì “sự học tập trọn đời”- coi bảo tàng là một trong những đối tượng học tập.


Thay vì trông chờ vào cách học tập chính quy, mỗi cá nhân có thể tự trau dồi cho mình (còn gọi là học phi chính quy) bằng nhiều con đường tiếp cận kiến thức, trong đó có việc đọc sách, thăm thú, nghiên cứu các bảo tàng… Nhưng nhìn vào vốn tiền, cũng có ý kiến tiếc nuối, giá mà bớt đi vài tầng của bảo tàng này theo dự kiến để lấy kinh phí đó cho việc giáo dục lại lịch sử dân tộc thì chắc sẽ ít điểm 0 môn lịch sử trong kì thi đại học 2012 vừa rồi?


Dù vậy, thực tế đi vào hoạt động và những vấn đề xa hơn của hoạt động bảo tàng này lại làm nhiều người lo lắng. Đó là khâu hiện vật - linh hồn bảo tàng. Liệu sau khi xây có bị rơi vào tình trạng bỏ ngỏ, vắng lặng giống Bảo tàng Hà Nội? Đến đây có gì khác biệt, hay hiện vật cũng na ná giống nhau so với vô vàn bảo tàng khác? Rất nhiều chi tiết phải tính đến.


Việc thiết kế xây dựng và sưu tầm hiện vật gắn kết như thế nào? Đồng bộ hay vẫn mờ nhạt? Hiện đại hóa bảo tàng không chỉ đơn thuần là việc xây mới, còn là vấn đề hiện đại hóa con người. Đấy mới là khâu quan trọng. Người ta đã nói nhiều đến “sức ỳ” của con người bảo tàng.


Ví như một “chuyên viên” bảo tàng mà không biết ngoại ngữ, lơ mơ về lịch sử thì làm sao có thể giới thiệu được cho khách nước ngoài về văn hóa nước mình được! Cần phải có tri thức bảo tàng!


Hi vọng với tầm cỡ quốc gia và kinh phí khổng lồ, bảo tàng lịch sử này sẽ không lâm vào tình trạng bi đát, lèo tèo vài khách “Tây” với sự đơn điệu của hướng dẫn “Ta” như thực trạng của nhiều bảo tàng hiện nay. Chúng ta cùng chờ?



Ngô Đồng

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN