Ngẫm!

Thế là đã tròn 50 năm Công ước Kiểm soát ma túy ra đời và Công ước về Nha phiến 1912 cũng sắp tròn 100 tuổi, nhưng dường như thế giới vẫn có quá nhiều việc phải làm. Trong Ngày thế giới phản đối tình trạng lạm dụng và buôn bán ma túy (26/6) năm nay, cụm từ “xem xét lại” và “phối hợp” liên tục được nhắc tới. Đó là điều đáng ngẫm.

Thực tế, công cuộc kiểm soát ma túy trên thế giới đã ghi nhận nhiều tiến bộ. Các điểm nóng về buôn bán ma túy như vùng Tam giác Vàng, Ápganixtan, Trung Đông… đã bớt nóng. Hiện tại, người ta nói nhiều về tình trạng buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức ở vùng Trung Mỹ. Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy có tới hơn 15.000 người chết mỗi năm tại Trung Mỹ bởi bạo lực do các băng đảng buôn bán ma túy và buôn người gây ra. Ônđurát có tỷ lệ người chết do bạo lực cao nhất thế giới, 67/100.000 người/năm, gấp 4 lần tỷ lệ của Mêhicô, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 5/100.000.

Đáng ngẫm khi tại Hội nghị an ninh Trung Mỹ diễn ra tại Goatêmala hai ngày trước, nhiều cam kết viện trợ đã được đưa ra, nhưng người ta vẫn không lạc quan về kết quả hội nghị. Hoàn toàn đúng khi cho rằng kết quả của hành động không phụ thuộc vào những cam kết. Ngoài việc không phải cam kết nào cũng được thực hiện, yếu tố quyết tâm và phối hợp như thế nào cũng rất quan trọng. Tại sao hình thức tội phạm liên quan tới hoạt động bất hợp pháp này càng ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng? Đó là do loại tội phạm này đã có thể né tránh những cơ chế kiểm soát được tạo ra từ những thỏa thuận, trong khi các cơ quan chức năng lơ là kiểm soát. Tại sao vai trò của các tổ chức chính thức như Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC), Ủy ban Liên Mỹ kiểm soát ma túy (CICAD) ngày càng lu mờ, khiến những nỗ lực thúc đẩy phát triển lựa chọn tại các vùng ven Amazon trở nên bất khả thi? Đó là do sự thiếu liên kết của các nước trong các hiệp ước quốc tế về chống ma túy, mà sâu xa là từ sự sụt giảm hợp tác giữa châu Âu, Mỹ và các tổ chức quốc tế, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Điều quan trọng hiện nay là phải xem xét lại những yếu tố chính làm gia tăng hoạt động buôn bán ma túy để từ đó có thể vạch ra đối sách hiệu quả. Không riêng gì Mỹ Latinh, các nước cần rà soát lại mô hình của mình, các chiến lược, chính sách và hệ thống luật chống ma túy, dựa trên cơ sở những gì khả thi, có thể kiểm tra và định lượng được. Công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội cần được tiếp tục đẩy mạnh, từ đó mới có thể thu hút đầu tư và phát triển. Cần xác định lại những ưu tiên trao đổi trong thương lượng quốc tế để cuộc chiến chống ma túy không trở thành cuộc truy đuổi triền miên từ nước nọ sang nước kia, dẫu biết rằng trong cuộc chiến này không thể “đơn thương độc mã”. Nói cách khác, hãy ngẫm về sự chia sẻ trách nhiệm!

 Đỗ Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN