“Nan y” thụ động

Ở Quảng Bình có xã Hiền Ninh. Tên thì vừa đẹp vừa lành nhưng đời sống của người dân ở xã này lại rất không lành bởi họ bị Thiên Lôi “truy nã” thường xuyên. Ở Hiền Ninh, sét đánh là chuyện cơm bữa. Theo nguồn tin từ địa phương, có ngày, xã bị đến hàng chục trận sét đánh; giông tố, mưa bão có sét đã đành, mà có khi trời quang mây tạnh, cũng sét. Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ xã tính ra rằng, trong một vài năm trở lại đây, Hiền Ninh có đến hàng chục người thương vong vì bị sét đánh trúng.

Việc sét quá hay “viếng thăm” vùng quê Hiền Ninh, gây nhiều thương vong, trong đó có những cái chết thương đau, tức tưởi, ai cũng thấy là đặc biệt nghiêm trọng. Thế nhưng, chính quyền xã này lại chỉ có những động thái khá “từ tốn”: Cảnh báo cho người dân về những dấu hiệu có nguy cơ bị sét đánh; cán bộ y tế địa phương hướng dẫn bà con cách phòng tránh và sơ cứu khi bị sét đánh. Những việc làm ấy tuy là “cần” nhưng chưa “đủ” bởi sét vẫn đánh, một số người vẫn thương vong và người dân cứ nơm nớp lo một ngày tai họa giáng xuống đầu mình. Chuyện sét ở Hiền Ninh đòi hỏi chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn, cấp bách hơn: Đề nghị các chuyên gia tìm hiểu nguyên nhân vì sao sét lại tập trung ở xã này nhiều như thế và trong lúc chờ có kết quả nghiên cứu, phải có biện pháp tích cực hơn để bảo vệ tính mạng người dân.

Chuyện nghiêm trọng nhưng giải quyết rất thụ động, chậm chạp- đáng buồn, lại không chỉ xảy ra ở Hiền Ninh. Nhiều nơi bị gán cho danh hiệu “điểm đen về giao thông” bởi tai nạn xảy ra như cơm bữa, cướp đi sinh mạng biết bao người; nhưng cơ quan chức năng chỉ phân tích các nguyên nhân này nọ rồi dường như “botay.com”, để điểm đen vẫn hoàn điểm đen. Một chuyện khác: Nông dân ĐBSCL đang điêu đứng vì bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Căn bệnh tai quái này đã phát thành dịch ở Đông Nam bộ từ năm 2005, và chỉ có cách phun thuốc đồng loạt mới tiêu diệt được giống nhện là tác nhân gây bệnh. Thế nhưng, việc tối cần ấy đã không được tiến hành đúng lúc, cho đến nay đã quá nửa diện tích nhãn ở ĐBSCL nhiễm bệnh, gây thiệt hại vô kể cho nhà nông. Và khi diện tích nhiễm bệnh đã quá lớn, việc phun thuốc đồng loạt càng xa tầm tay, có vẻ nông dân chỉ còn cách… chặt nhãn.

Khi cơ quan chức năng thấy “đau đẻ” mà vẫn “đợi sáng trăng” thì tình hình không thể sáng. Phải sớm có “thuốc” cho “bệnh” thụ động, chậm chạp của những cơ quan hữu trách!

Hà Nguyễn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN