Mùa lũ, nhìn lại …

Sau trận lũ lịch sử năm 2000, đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm không có lũ, những năm đuợc xem là có lũ nước cũng chỉ mấp mé bờ kinh, chỉ tràn đồng ở một số vùng thấp. Một số ngành nghề mưu sinh trong mùa lũ – nước nổi như đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản, khai thác và trồng những loại rau đặc trưng của mùa lũ suốt mấy năm liền ngỡ như không còn. Đời sống của một bộ phận người dân thêm khó khăn; đặc biệt khó khăn hơn đối với những hộ dân nghèo, chuyên đi làm thuê. Không có lũ, ruộng đồng không được bồi đắp phù sa, không được làm vệ sinh, sâu rầy nhiều làm ảnh hưởng xấu đến năng suất lúa và hoa màu.

Cả miệt đồng bằng chịu hạn hán kéo dài, xâm mặn vào sâu nội địa gây khó khăn cho đời sống người dân. Đi qua vùng lũ vào những năm không có lũ người ta không thấy có cá linh và bông điên điển, là sản phẩm chỉ có riêng của vùng lũ, mùa lũ; những món ăn dân dã như rắn nước, chuột đồng, bông súng bỗng trở thành đặc sản quí hiếm. Cả vùng lũ dường đi mất đi cái hồn sóng nước mênh mông như vô tận của thiên nhiên.

Người dân vùng lũ nôn nao nhớ mùa lũ - nước nổi.

Tuy nhiên, những năm không có lũ người dân không phải khổ vì cảnh ngập lụt bất ngờ, đi lại thuận tiện hơn; không có thiệt hại do lũ gây ra về người và tài sản; mọi sinh hoạt của đời sống diễn ra thanh bình và an toàn. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do lũ gây ra và khai thác tính lợi từ lũ, để cho dân vùng lũ “sống chung với lũ”, Nhà nước đã đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, làm thay đổi diện mạo của vùng lũ. Người dân ở vùng ngập sâu đã được đưa vào các cụm tuyến dân cư hoặc có nhà vượt lũ. Hệ thống trường học, bệnh xá, chợ, công sở vượt lũ đã hoàn chỉnh. Người dân vùng lũ đã có thể an cư cùng lũ khi mà mực nước lũ không vượt qua lũ lịch sử năm 2000.

Tuy nhiên, năm nay lũ chưa bằng mức lũ năm 2000 nhưng ở nhiều nơi trong vùng lũ vẫn phải di dời hàng ngàn hộ dân, nhiều đoạn đê bị vỡ nhấn chìm hàng trăm ha lúa và hoa màu; gây thiệt hại cả người và tài sản.

Xem ra nhiều nơi vẫn bị động với lũ. Vì sao?

Phải chăng trong suốt 10 năm qua, vùng lũ đã không có lũ nên sinh ra tâm lý chủ quan từ người dân cho đến chính quyền một số địa phương. Cũng vì không có lũ nên dân vùng lũ phải thay đổi cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng?

Còn nhớ sau mùa lũ năm 2000 đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo về lũ nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho vấn đề quan trọng nhất là “sống chung với lũ” để mỗi người dân được an cư lạc nghiệp và cả vùng sẽ phát triển bền vững trong điều kiện có lũ. Theo đó, hạ tầng cơ sở của vùng lũ đã được xây dựng. Những con đường đất liên thôn đã được thay bằng những tấm bê tông lắp ghép để có thể chịu được nước tràn, nước xoáy. Nhiều vùng không làm lúa vụ 3 hoặc làm lúa né lũ…Hoặc không làm quá nhiều đê bao mà để cho lũ tràn đồng lấy phù sa và làm vệ sinh đồng ruộng mà chỉ qui hoạch hợp lý một số vùng để trồng rau màu trong mùa lũ để vừa giải quyết việc làm vừa tạo nguồn cung cho vùng lũ…

Dường như tất cả những sự chuẩn bị đó là thuộc về 10 năm trước; rằng do biến đổi khí hậu và do tác nhân gây ra, sông Mê Kông sẽ không còn mùa lũ. Song le, cả thế giới đang đứng trước những biến động khôn lường của biến đổi khí hậu, mà Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta nói riêng là một trong những quốc gia, khu vực bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất. Bão to, lũ lớn, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội địa có thể là những biểu hiện của biến đổi khí hậu.

Do vậy, từ mùa lũ lớn bất thường ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay chúng ta cần phải có cái nhìn biện chứng hơn về lũ để cả vùng lũ phát triển bền vững trong điều kiện có lũ cũng như không có lũ.

Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN