Thành tích của bóng chuyền nữ U23 Việt Nam tại đấu trường châu lục năm nay chính là sự tiếp nối kỳ tích lọt vào tốp 4 đội hàng đầu châu Á năm 2016 của đội tuyển nữ lứa tuổi U19 với các tên tuổi như Trần Thị Thanh Thúy, Trịnh Thị Huyền, Nguyễn Thị Trinh, Dương Thị Hên, Nguyễn Thu Hoài, Đoàn Thị Lâm Oanh..., đã có sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn cũng như bản lĩnh thi đấu. Đây cũng là lứa vận động viên hứa hẹn tiếp tục mang lại vinh quang cho bóng chuyền Việt Nam ở các giải đấu khu vực và quốc tế trong tương lai gần. Thành tích vừa nêu bước đầu ghi nhận hướng đầu tư đúng, đồng thời tạo bước đệm cần thiết để bóng chuyền Việt Nam phát triển trong tương lai.
Thanh Thúy cùng các đồng đội đang gây ấn tượng |
Dẫu vậy, để có một nền tảng phát triển bền vững, bóng chuyền Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, trước hết là công tác đào tạo lực lượng kế cận. Thực tế, phần lớn các câu lạc bộ bóng chuyền nữ trong nước hiện nay đều rơi vào tình trạng hẫng hụt lực lượng kế cận. Nhìn lại các giải đấu lớn gần đây cho thấy, dù thiếu hụt về lực lượng, nhưng vì áp lực thành tích nên các câu lạc bộ không dám mạo hiểm để các cầu thủ trẻ ra sân. Rất nhiều câu lạc bộ tìm giải pháp thuê vận động viên nước ngoài thi đấu khi có các giải đấu quan trọng. Cách làm này mang lại lợi ích tức thì là giúp câu lạc bộ gặt hái được thành tích. Nhưng cái hại là các cầu thủ trẻ không có cơ hội được cọ sát để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tích lũy kinh nghiệm.
Có nhiều lý do khiến các cầu thủ trẻ không có cơ hội ra sân tại các giải đấu lớn, rõ nhất là họ chưa tạo được dấu ấn chuyên môn. Tuy nhiên, nếu không có sự đầu tư bài bản, không tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ tham gia cọ sát để rèn giũa chuyên môn cũng như tích lũy kinh nghiệm, thì bóng chuyền Việt Nam chưa thể chấm dứt tình trạng khủng hoảng lực lượng kế cận.
Không phải câu lạc bộ nào cũng chú trọng tới công tác đào tạo trẻ. Bởi, theo một số lãnh đạo câu lạc bộ, đào tạo cầu thủ trẻ vừa tốn kém, lại ít hiệu quả. Một huấn luyện viên chuyên làm công tác đào tạo bóng chuyền nữ chia sẻ, không khó để tìm đủ số lượng vận động viên đầu vào theo chỉ tiêu. Cái khó ở chỗ, làm sao thuyết phục được các bậc phụ huynh cho con em theo nghề. Cũng không ít trường hợp, vận động viên được đào tạo đến thời điểm có thể cống hiến cho câu lạc bộ, nhưng lại rẽ ngang bởi vướng chuyện chồng con hoặc thu nhập không bảo đảm cuộc sống.
Theo Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, mục tiêu đặt ra đối với bóng chuyền trong 5 năm tới là có được một thế hệ vận động viên có lối chơi tiếp cận được bóng chuyền hiện đại. Thực hiện mục tiêu này, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã mời các chuyên gia Nhật Bản sang huấn luyện, trước mắt cho đội tuyển nữ quốc gia tham dự SEA Games 29, sau đó là tuyến vận động viên trẻ tại các câu lạc bộ, các trung tâm huấn luyện thể thao trong cả nước. Bên cạnh đó, tuyển chọn những vận động viên triển vọng gửi sang đào tạo tại Nhật Bản.
Giới làm chuyên môn cho rằng, đây là hướng đi đúng, bởi bóng chuyền nữ Nhật Bản phát triển ở tầm châu lục và thế giới. Hy vọng các chuyên gia Nhật Bản sẽ làm thay đổi cách nhìn của người hâm mộ về bóng chuyền Việt Nam hiện nay.