Món hời chuyển nhượng

Người ta nhận ra rằng, thị trường chuyển nhượng ở V.League cũng có không ít thủ thuật (chưa muốn nói là thủ đoạn) được áp dụng nhằm tìm kiếm món hời.


1. Kết thúc mùa giải V.League 2015, thị trường chuyển nhượng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các cầu thủ liên tục tìm bến đỗ mới. Chuyển nhượng cầu thủ... là chuyện hết sức bình thường tại các giải bóng đá chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia, trong đó có V.League. Nhưng để tìm được tiếng nói chung về quyền lợi quả thật không đơn giản. Người ta nhận ra rằng, thị trường chuyển nhượng ở V.League cũng có không ít thủ thuật (chưa muốn nói là thủ đoạn) được áp dụng nhằm tìm kiếm món hời.Mới nhất, trường hợp của Hoàng Thịnh với Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An. Tuần trước, hai bên đã có nhiều buổi đàm phán, nhưng cuối cùng đã không tìm được tiếng nói chung. Hoàng Thịnh thừa nhận, nhiều đội bóng đã chào mời anh với giá lót tay 2 tỷ đồng cho mỗi mùa giải, nhưng anh sẵn sàng nhận số tiền lót tay ít hơn để được ở lại tiếp tục cống hiến cho đội bóng quê hương. Phía Sông Lam Nghệ An thì lửng lơ, không nói cụ thể số tiền có thể trả cho Hoàng Thịnh, mà quyết định dừng đàm phán với lý do, không đủ tiền để giữ chân cầu thủ này.

2. Nói đi thì cũng phải nói lại, có không ít trường hợp, cầu thủ quay ngoắt 180 độ với các điều khoản mà họ đã thỏa thuận. Cách đây vài ba mùa bóng, một tuyển thủ quốc gia, đầu tuần thì tuyên bố chia tay Hà Nội T&T; đến giữa tuần lại tuyên bố ở lại câu lạc bộ này thêm nhiều mùa giải nữa. Vấn đề ở chỗ, giữa cầu thủ này với Câu lạc bộ Hà Nội T&T đã thỏa thuận xong mọi điều khoản hợp đồng, chỉ chờ hai bên đặt bút ký chính thức. Thật bất ngờ, chỉ 48 tiếng đồng hồ sau, cầu thủ trên lại chủ động gọi điện thông báo cho một số phóng viên về việc anh đã quyết định đầu quân cho Hà Nội ACB, bởi cầu thủ này nhận được khoản lót tay hậu hĩnh hơn.

3. Còn nhớ, tại “hội nghị Diên Hồng” xoay quanh chủ đề “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh cách đây chưa lâu, lãnh đạo một số doanh nghiệp làm bóng đá đã phê phán gay gắt tình trạng “đi đêm” trong các hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ tại V.League. Hậu quả nhỡn tiền là giá chuyển nhượng cầu thủ ở V.League bị đẩy lên tới mức phi lý. Rất nhiều mánh lới được các câu lạc bộ áp dụng để có được “miếng mồi” mà họ đặt mục tiêu. Dễ thấy nhất, là những đòn gió được tung ra: “Câu lạc bộ A… đặt cầu thủ B vào tầm ngắm”; hay “câu lạc bộ B… đưa ra mức giá… tỷ đồng cho trung vệ A”… Những thông tin kiểu như vậy vô hình trung đã đẩy các đội bóng khác vào cuộc chạy đua về tiền bạc.

4. Tại lễ tổng kết mùa giải V.League 2014-2015, một số doanh nghiệp làm bóng đá lên tiếng phê phán Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là thiếu chế tài, không kiên quyết trong việc xử lý những tiêu cực xung quanh vấn đề chuyển nhượng cầu thủ. Thế nhưng, chính các ông chủ doanh nghiệp đã không thật sự đàng hoàng trong vấn đề này. Thế mới xảy ra tình trạng, một số câu lạc bộ đã bằng mọi cách để lôi kéo cho bằng được các chân sút mà họ cần, bất kể giá cả, bất kể sự phản ứng của dư luận.


Yến Nhi
Các cầu thủ khó lòng cầm quyền chuyển nhượng
Các cầu thủ khó lòng cầm quyền chuyển nhượng

Càng ngày, thị trường chuyển nhượng càng là mối lo cho các cầu thủ bởi có quá nhiều thông tin không rõ ràng, chắc chắn. Trong thế bấp bênh giữa đi hay ở, các cầu thủ bị cuốn vào những rắc rối xung quanh chuyện chuyển nhượng, nơi họ bị đẩy đưa và hầu như không có quyền tự quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN