Mianma - cầu nối hướng Đông của Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa kết thúc chuyến thăm đầu tiên của một vị thủ tướng Ấn Độ tới nước láng giềng Mianma trong 25 năm qua.

Tổng thống U Thein Sein (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại cuộc gặp ngày 28/5. Ảnh THX/TTXVN


Kết quả chuyến thăm đã được thể hiện rõ trong tuyên bố chung giữa Thủ tướng Manmohan Singh và Tổng thống nước chủ nhà U Thein Sein, cùng với 12 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tuyên bố chung đã mô tả cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bầu không khí nồng ấm, chân thành và xây dựng; đồng thời nêu bật tiềm năng của các mối quan hệ chặt chẽ trong tương lai…

 

12 thỏa thuận được ký nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Manmohan Singh bao gồm nhiều lĩnh vực, từ vấn đề bảo đảm an ninh, phát triển khu vực giáp giới hai nước, hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, đến hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học, và giữa các học viện nghiên cứu quốc phòng… Ấn Độ cũng cam kết cung cấp khoản tín dụng 500 triệu USD để giúp nước láng giềng thực hiện các dự án phát triển. Ấn Độ và Mianma dự kiến sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại trong vòng ba năm. Thủ tướng Manmohan Singh cũng gặp Thủ lĩnh Liên minh quốc gia vì dân chủ Mianma Aung San Suu Kyi tại Yangon khi bà tới chào xã giao. Trong cuộc gặp này, ông Singh đã chuyển thư của bà Sonia Gandhi, Chủ tịch Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) mời bà Suu Kyi sớm tới thăm Ấn Độ.


Báo chí Ấn Độ đánh giá rất cao chuyến thăm của Thủ tướng Singh và gọi đây là “chuyến thăm lịch sử”, bởi ông đã chọn thời điểm thích hợp để vạch ra lộ trình hợp tác với nước láng giềng vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống này. Mianma được coi như một “cửa ngõ” trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ và là “chiếc cầu” để nước này mở rộng quan hệ với các nước khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).


Ấn Độ đang mong muốn tăng cường vai trò và sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á và xa hơn nữa. Niu Đêli muốn sử dụng chuyến thăm của ông Singh để tái khẳng định sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với Mianma và hy vọng Mianma “vừa là cầu nối, vừa là cửa ngõ” để Ấn Độ thực hiện chính sách “hướng Đông”.


Hiện tại mỗi tuần có ba chuyến bay giữa thành phố Kolkota (Ấn Độ) và Yangon (Mianma), trong tương lai các tuyến bay nối liền hai nước sẽ tăng lên, tạo sự hấp dẫn hơn đối với các hãng hàng không, tạo điều kiện cho họ kết hợp các chuyến bay tới Mianma với các địa điểm khác tại Đông Nam Á. Ngoài ra, hai bên cũng đang cân nhắc về việc xây dựng các tuyến đường sắt kết nối và đã nhất trí thành lập một ủy ban chung để thăm dò khả năng triển khai các dự án vận tải hàng bằng đường sắt từ Ấn Độ qua Mianma tới khu vực Đông Nam Á. Hai bên đang nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc nối Moreh thuộc Manipur (Ấn Độ) với Mae Sot (Thái Lan) đi qua Mianma.


Các quan chức Ấn Độ tin rằng tuyến đường cao tốc này sẽ thực sự trở thành “chiếc cầu” nối giữa Ấn Độ với các nước ASEAN và nằm ở trọng tâm chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ, bởi Mianma là nước duy nhất trong khối ASEAN có chung biên giới với Ấn Độ.


Minh Lý (P/v TTXVN tại Niu Đêli)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN