Mặt trái của huy chương

Toàn cầu hóa lên ngôi trong những năm qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho thế giới, thiết lập mối liên kết chặt chẽ và một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn, tạo đà cho các nền kinh tế cùng tăng trưởng và phát triển thông qua các quan hệ trao đổi thương mại. Song tấm huy chương nào cũng có hai mặt.


Khi kinh tế thế giới phát triển lành mạnh, các nền kinh tế thành viên đều được hưởng lợi từ mô hình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, do các quan hệ thương mại đan xen và ràng buộc lẫn nhau, không thể tránh khỏi “liên lụy” khi khu vực này bạo bệnh thì các khu vực khác cũng dần bị lây lan như một nạn dịch.


Điều này đang xảy ra khi châu Âu quay cuồng trong cơn bão nợ công và kinh tế Mỹ chuệch choạc thì các “siêu sao” đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin cũng phải đối đầu với thực trạng kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.


Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng vô cùng u ám: Sáu trong số 17 nước sử dụng đồng tiền chung euro đang suy thoái, nền kinh tế Mỹ lại tiếp tục trầy trật. Khi hai đầu tàu kinh tế thế giới hết lực, mọi hy vọng đang dồn vào các ngôi sao kinh tế đang lên nhưng chính những nơi này cũng đang hứng chịu hậu quả từ châu Âu và Mỹ.


Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố một báo cáo cho biết, khủng hoảng khu vực đồng euro và tình trạng trì trệ tại Mỹ đã phương hại đến tăng trưởng của các nền kinh tế đang trỗi dậy, cụ thể là làm giảm xuất khẩu, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á đang phát triển giảm sút trong nửa đầu năm 2012.


Các nước giàu có càng suy yếu thì các nước đang phát triển càng khó lấy lại đà tăng trưởng nhanh như trước đây. Ngược lại, nỗ lực thoát khỏi nguy hiểm của các nền kinh tế Âu - Mỹ càng đối mặt với nhiều trở ngại nếu như các nền kinh tế đang phát triển không duy trì được đà tăng trưởng.


Tham gia vào cuộc chơi toàn cầu hóa, các nền kinh tế không chỉ hợp tác với nhau trong những diễn biến thuận lợi, mà còn cần phải có các hành động phối hợp trong hoàn cảnh nguy hiểm vì chẳng có chỗ nào để trốn dưới đám mây u ám đang bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế thế giới hiện nay.


Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã thừa nhận rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay không phân biệt đường biên giới, nó đang gõ cửa tất cả các nước.



Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN