Lợi thế trong xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL

Xây dựng nông thôn mới chính là một quyết sách chiến lược trong việc thực hiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng và Nhà nước ta. Bởi căn cứ theo bộ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, một khi các xã trong toàn quốc đều hoàn thành các tiêu chí này thì nước ta sẽ có một nông thôn vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, sẽ có một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tiên tiến; và như vậy đương nhiên cuộc sống của nông dân sẽ được nâng cao.

Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đặt ra yêu cầu không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao mức sống của nông dân mà còn xây dựng nền móng cho sự phát triển vững bền của nông thôn, cũng có nghĩa là hướng tới việc bảo đảm cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần cho khoảng 70% dân số nước ta. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới về bản chất thực sự là một cuộc cách mạng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tại một số xã điểm xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều tiêu chí cơ bản về cơ sở hạ tầng nhưng đó chỉ là lợi thế ban đầu, mà sâu xa hơn là làm sao thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trong sản xuất; tạo điều kiện cho người nông dân thích nghi với cơ chế thị trường; là người vừa sản xuất giỏi vừa kinh doanh giỏi.

Nếu nhìn riêng khía cạnh này, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế hơn nhiều so với nông dân ở nhiều vùng nông nghiệp khác của nước ta. Bởi do điều kiện đất đai rộng lớn, đồng ruộng nhiều lại được thiên nhiên ưu đãi nên người nông dân ĐBSCL sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi; từ xa xưa đã sản xuất lúa hàng hóa và phát triển nhiều ngành nghề như nuôi trồng thủy sản, trồng cây trái, hoa màu… Sau giải phóng miền Nam trên nhiều vùng miền của đất nước vẫn còn sản xuất tự cung, tự cấp thì hàng chục năm trước đó thị trường trong và ngoài nước đã biết đến những thương hiệu gạo, trái cây, thủy sản nổi tiếng của ĐBSCL.

Tất nhiên, với điều kiện đặc thù là một vùng sông nước lại có mùa nước nổi hàng năm nên việc xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng; nhất là hạ tầng giao thông ở ĐBSCL, gặp không ít khó khăn. Thực tế đó cũng làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của toàn vùng. Song tiềm năng vô cùng to lớn của cả ĐBSCL đang được khai thác đã biến thành nguồn lực lớn. ĐBSCL là vùng đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo và thủy hải sản, đồng thời cũng là nơi đảm bảo an ninh lương thực vững bền của đất nước.
Tiềm lực của ĐBSCL chính là tổng thành của đất đai, khí hậu, sông biển cộng với cung cách làm ăn lớn và tư duy về một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa của nông dân.

Đó là những lợi thế để ĐBSCL có thể đấy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN