Lỗ hổng quản lý vốn các dự án giao thông

Cuối cùng thì quyết định xử lý sai phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đội vốn hơn 5.000 tỷ đồng - báo Tin Tức đã đưa tin) đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra: Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý hành chính với các đơn vị nhà thầu, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư liên quan đến dự án nói trên. Dù chưa thật hài lòng, nhưng dư luận cho đây là một quyết định cần thiết, thể hiện rõ thái độ của Bộ Giao thông Vận tải đối với các công trình, dự án giao thông “có vấn đề”.

 

Phải thấy rằng, thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những sai phạm ở các công trình giao thông trọng điểm, chủ yếu là công trình đội vốn gấp nhiều lần so với dự toán, trong khi chất lượng lại không bảo đảm, nhanh chóng xuống cấp. Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ là một trong nhiều dự án giao thông gây sự lãng phí và làm tổn thất lớn nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, phần lớn những sai phạm sau khi được phanh phui đều chậm được xử lý. Thật khó hiểu khi các công trình xảy ra sự cố lớn, công trình bị "rút ruột" hoặc "làm giá", nhưng không có đơn vị, cá nhân nào bị xử lý cả. Với dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, phải đến khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm tra, thì ngành chức năng mới sốt sắng vào cuộc. Có điểm chung là giá thành các công trình, dự án đường cao tốc ở nước ta luôn cao gấp nhiều lần so với nhiều nước. Không chỉ ở dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, 1 km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng ngốn tới 267 tỷ đồng (khoảng 12,7 triệu USD), trong khi ở Trung Quốc chỉ hết 5 triệu USD và ở Mỹ 4,5 triệu USD.

 

Cần phải khẳng định, phát triển đường cao tốc là một mục tiêu quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông. Nhưng thật tiếc, công tác quản lý vốn đầu tư cho các dự án đường cao tốc bộc lộ quá nhiều sự yếu kém, phần lớn các công trình, dự án bị chậm tiến độ, đội giá. Lý giải thực trạng này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, các yếu tố như địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp ở Việt Nam khiến các đường cao tốc phải xây dựng thêm nhiều cầu, cống, xử lý sụt trượt và xử lý nền đất yếu; chi phí giải phóng mặt bằng ngày một lớn.

 

Với dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, theo kết quả được Kiểm toán Nhà nước công bố, nguyên nhân làm dự án bị đội kinh phí là do sai sót từ khâu khảo sát đến thi công, đặc biệt là sự bớt xén ở khâu khảo sát thiết kế. Bên cạnh đó là việc áp dụng định mức không phù hợp với thực tế thi công đã ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu; bóc tách sai khối lượng so với khối lượng hồ sơ thiết kế; sai sót trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán; sai lệch về độ dày kết cấu nền, mặt đường so với thiết kế... Từ công tác quản lý đầu tư cho các công trình giao thông trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Điều đó lý giải, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác, đường Cầu Giẽ - Ninh Bình thường xuyên phải duy tu, bảo dưỡng.


Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ là một trong những khoảng tối của các công trình, dự án giao thông. Thời gian qua, dư luận không ít lần lên tiếng về sự lãng phí, thất thoát vốn nhà nước trong các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án giao thông. Vấn đề đặt ra là cần phải khẩn trương bịt những lỗ hổng trong quản lý nguồn vốn ngân sách. Đó là đòi hỏi cấp thiết không chỉ với các dự án đường cao tốc, mà cả với các công trình, dự án giao thông.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN