Lại chuyện bản quyền truyền hình

Lần này không phải là bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh, mà là Giải bóng đá vô địch thế giới (World Cup 2014) diễn ra ở Brazil vào mùa hè tới. Người hâm mộ trái bóng tròn cũng như các đơn vị truyền hình trong nước vẫn đang hy vọng và chờ quyết định cuối cùng của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) về việc mua bản quyền truyền hình World Cup 2014, khi mà sức nóng của giải bóng đá lớn nhất hành tinh đang tới rất gần.


Thời điểm này, tập đoàn MP&Silva (Italia) đang tiếp xúc với từng nhà đài của Việt Nam như VTV, VTC, VCTV, K+, SCTV... để ngã giá. Giá bản quyền truyền hình World Cup 2014 trên lãnh thổ Việt Nam mà MP&Silva đưa ra đang ở mức kỷ lục với con số 10 triệu USD. Tính ra, mỗi trận đấu tại World Cup 2014 có giá trị gần 160.000 USD. Đây là mức phí quá lớn so với World Cup 2010 khi hãng Infront Sport & Media cũng chỉ ra mức giá 2,7 triệu USD cho 52 trận.


Mọi sự tập trung vẫn hướng về VTV, bởi VTV được đánh giá là đủ tiềm lực và liên tục nắm giữ bản quyền truyền hình nhiều kỳ World Cup đã qua. Nhưng cái khó là lãnh đạo VTV từ chối mức giá mà MP&Silva chào, bởi rất khó tìm nhà tài trợ, quảng cáo, khi World Cup diễn ra vào thời điểm nửa đêm đến rạng sáng. Sau cuộc đàm phán lần đầu với đối tác bất thành, VTV cho biết sẽ không mua bản quyền truyền hình này bằng mọi giá và sẽ tiếp tục thương thảo. Nhưng nếu đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2014 không chấp nhận, VTV sẽ “buông” để nhường cho các đài khác.


Trước quan điểm của VTV, những người hâm mộ trái bóng tròn Việt Nam đã tỏ ra thất vọng và không khỏi lo ngại rằng, nếu VTV bỏ cuộc thì đối tác nước ngoài (tập đoàn MP&Silva) sẽ có cớ để mang chào bán bản quyền World Cup 2014 cho một đơn vị truyền hình trả tiền nào đó. Như vậy, khán giả Việt Nam có thể sẽ phải mất tiền để xem World Cup, điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam.


Theo thông lệ từ các kỳ World Cup trước, VTV đứng ra mua bản quyền truyền hình và chia sẻ cho các đài khác. Theo quan điểm của nhiều người, World Cup không phải giải đấu để kiếm tiền như Euro hoặc Giải ngoại hạng Anh, mà là sự kiện quần chúng, càng đến với đông đảo người dân trên thế giới càng tốt. Có lẽ xuất phát từ quan điểm này mà FIFA đã khuyến cáo, 22 trong tổng số 64 trận đấu của World Cup nên phát trên hệ thống truyền hình quảng bá. Do vậy, đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình không nên thực dụng, đẩy giá lên quá cao, mà hãy vì quyền lợi của người hâm mộ.


Sự ra đời của truyền hình trả tiền là một xu thế tất yếu của xã hội và việc mua bán bản quyền của những giải bóng đá lớn nhất thế giới để phục vụ đông đảo người hâm mộ Việt Nam cũng là một xu thế không nằm ngoài quy luật. Tuy nhiên, tư duy “độc quyền” đang khiến một số đài truyền hình ở Việt Nam bị ngạt thở, khi các đối tác lọc lõi ở nước ngoài đã đánh đúng vào điểm yếu này để gây sức ép. Có thể nói rằng, bản quyền truyền hình World Cup 2014 bị đẩy giá lên mức quá cao tại Việt Nam là hệ lụy của việc mạnh ai nấy chạy, không có sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN