Kiểm soát quyền lực - không để nhờn thuốc

Tham nhũng, tiêu cực luôn song hành với quyền lực. Quyền lực khi bị tha hóa dẫn đến những việc làm sai trái, khuất tất nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân hoặc cho một nhóm lợi ích, gây tổn hại tới lợi ích của tập thể, lợi ích của quốc gia - dân tộc. Tha hóa quyền lực nếu kéo dài âm ỉ có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) khai báo tại phiên Xét xử sơ thẩm Công ty AIC và các đơn vị có liên quan trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Do vậy, căn bệnh lạm quyền hay như dân gian vẫn gọi là “ngáo quyền lực”, “ảo tưởng quyền lực” từ lâu vẫn luôn được Đảng ta chú trọng xử lý, uốn nắn. Mặc dù vậy, đến nay, đây vẫn là một nan đề. Kiểm soát quyền lực dù đã được bổ sung nhiều quy định, quy chế nhưng thực tế vẫn tồn tại những lỗ hổng lớn, bởi đây cũng chính là câu chuyện công tác cán bộ, câu chuyện liên quan đến con người với tất cả những mặt phức tạp.

Trong vụ án AIC đang được dư luận quan tâm, các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã thừa nhận lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tiếp tay cho doanh nghiệp làm trái quy định, gây thiệt hại nặng nề đối với ngân sách nhà nước. Nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng “nhẹ như lông hồng”, những vị này đã dùng quyền lực của mình gây áp lực đối với cấp dưới để “nâng đỡ” thương vụ của AIC. Khi vụ án được đưa ra ánh sáng mới vỡ ra rằng biệt thự xa hoa hay tiền cho con du học nước ngoài của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có nguồn gốc thực sự từ đâu. Đó chính là sự gục ngã của cán bộ trước “viên đạn bọc đường”, là khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ, là khi không có cái phanh để cảnh báo, kéo họ dừng lại trước sự cám dỗ vật chất.

Tương tự, còn nhiều Đồng Nai khác đã xuất hiện trong đại án Việt Á. Cho đến những ngày cuối năm 2022 này, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã khởi tố, bắt giữ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với khoảng 30 bị can, trong đó 2/3 là đảng viên. Trong vụ án này, nhiều cựu lãnh đạo cao nhất của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho đến bí thư tỉnh ủy… đều nhúng chàm. Vô cùng đau xót!

Mới đây nhất, Bộ Chính trị cũng đã phê bình nghiêm khắc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn liên quan đến trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao trong vụ án “chuyến bay giải cứu”; khai trừ Đảng đối với ông Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản… Liên quan đến vụ án này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ.

Như vậy, có thể thấy quyền lực vẫn đang bị lợi dụng, bị lạm dụng để phục vụ cho những mưu đồ xấu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Quyền lực đã bị tha hóa vì động cơ vun vén, vơ vét, “vinh thân phì gia”. Thậm chí, thật đau lòng là điều này lại xảy ra vào thời điểm người dân hoạn nạn nhất, ít chỗ bấu víu nhất trong khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Cần phải hiểu rằng quyền lực nhà nước chính là sự ủy quyền của nhân dân cho cán bộ, đảng viên nhằm mục đích phụng sự nhân dân. Đằng này, những con người tha hóa đó đã xoay chiều mũi tên lợi ích khiến nhiều người dân phải chịu đau đớn, mất mát, trong khi những thế lực xấu lại có cơ hội “hút máu” nhân dân.

Từ đó, vấn đề kiểm soát quyền lực lại một lần nữa lại được đặt ra, nhức nhối. Quyền lực nếu không được kiểm soát không chỉ gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước, mà nguy hại hơn là sẽ bào mòn niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền, bộ máy lãnh đạo đất nước.

Chú thích ảnh

Chúng ta đã nói rất nhiều về việc “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, nghĩa là hoàn thiện các quy định, thể chế pháp luật… để cán bộ, đảng viên không dám, không thể tham nhũng. Thế nhưng, những vụ việc xảy ra vừa qua cho thấy “sâu mọt” tham nhũng dường như không biết sợ, cứ có cơ hội là chúng lại ra sức đục khoét. Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đôi khi giống như một trò đùa. Ở đây, phải chăng chế tài chống tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa đủ mạnh? Đây có lẽ cũng là vấn đề cần được tổng kết, nghiên cứu và xem xét thấu đáo.

Mặt khác, những vụ việc vừa qua cho thấy sự giám sát, kiểm soát quyền lực còn lỏng lẻo. Cấp dưới nhiều khi biết hành vi của cấp trên là sai trái, là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn “răm rắp” làm theo. Điều này đi ngược với quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, đó là “đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức…”. Rõ ràng, tính chiến đấu trong Đảng cần phải được tiếp tục tăng cường, đồng thời với việc củng cố niềm tin về sự bảo vệ đối với cán bộ dám tố cáo sai trái, dám đứng lên bảo vệ lẽ phải.

Đặc biệt, “không có gì qua mắt được nhân dân”, những ý kiến của nhân dân về bộ máy công quyền, về công tác cán bộ cũng cần phải được lắng nghe, trân trọng. Suy cho cùng, đây chính là sự giám sát tối cao nhất, của người ủy quyền đối với người được ủy quyền. Dân là gốc. Như Bác Hồ từng căn cặn: “Gốc có vững thì cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Vì vậy, các biện pháp nhằm tăng hiệu quả kiểm soát quyền lực cần gắn với mở rộng quyền giám sát của nhân dân, như là một “kính chiếu yêu” nhằm quét sạch đám “sâu mọt” tham nhũng, tiêu cực.

Trung Sơn
Nhìn lại năm 2022: Phòng, chống tham nhũng - Để không còn 'trên nóng, dưới lạnh'
Nhìn lại năm 2022: Phòng, chống tham nhũng - Để không còn 'trên nóng, dưới lạnh'

Giữa năm 2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương trên cả nước lần lượt được thành lập, chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN