Không để trách nhiệm “trôi” theo đường ống vỡ

Chỉ trong 3 ngày cuối tuần qua, tuyến đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội thêm 2 lần bị vỡ, nâng số lần tuyến đường ống này bị vỡ lên con số 9. Thêm một lần nữa cuộc sống của hàng vạn người dân Thủ đô tiếp tục bị đảo lộn và dư luận càng thêm bức xúc.

 

Chỉ sau 5 năm vận hành, nhưng tình trạng vỡ đường ống dẫn nước sông Đà xảy ra dồn dập đã cho thấy toàn cảnh chất lượng thi công cũng như chất lượng của công trình này. Hàng chục nghìn hộ dân khu vực phía tây Hà Nội thấp thỏm, không biết phải sống cùng nỗi lo mất nước sinh hoạt đến bao giờ? Vậy nên, cứ thêm một lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ, là thêm một lần day dứt với câu hỏi: Tại sao công trình có vốn đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng mà kết cục lại tồi tệ đến như vậy? Tại sao với một công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến 70.000 hộ dân, mà chỉ duy nhất một đơn vị vừa thiết kế, vừa thi công, giám sát?


Nguyên nhân của sự cố bước đầu được xác định, nhưng việc trả lời thấu đáo về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan thật không dễ dàng. Đã có lời xin lỗi từ chủ đầu tư (ông Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam - Vinaconex), nhưng việc đền bù thiệt hại cho người dân cũng như việc xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị có liên quan, thì vẫn chưa thấy nói tới!


Vào thời điểm đường ống nước sông Đà vỡ, cũng là lúc HĐND thành phố Hà Nội họp. Các đại biểu HĐND thành phố yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục việc đường ống nước sông Đà liên tiếp bị vỡ. Cũng có ý kiến thẳng thắn, thậm chí gay gắt rằng: "Thành phố chưa phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án... " nên dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như vậy.


Vài năm trước, đường ống dẫn nước sông Đà được xem là công trình trọng điểm của Vinaconex. Năm 2009, khi hoàn thành, công trình được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đóng dấu đạt chất lượng vàng? Chính điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về việc có hay không sự “bắt tay” giữa nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu, đơn vị tư vấn, giám sát? Có thông tin, riêng cho chi phí làm đường ống bằng composite cốt sợi thủy tinh đã lên tới gần 500 tỷ đồng, nhưng khổ nỗi độ bền của chất liệu được sử dụng lại chưa được kiểm chứng, dẫn tới công trình này bị vỡ tới 9 lần và mỗi lần như vậy, lại mất thêm nguồn kinh phí đáng kể để khắc phục hậu quả. Câu hỏi lại được đặt ra: Có hay không “lợi ích nhóm” ở công trình đường ống dẫn nước này? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về lãng phí đó?


Đương nhiên Vinaconex phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình; nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của các nhà thầu liên quan, cụ thể là nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, nhà thầu giám sát thi công xây dựng, đơn vị tổng thầu thiết kế và Ban quản lý dự án. Về phía UBND TP Hà Nội, có chăng là sự thiếu kiên quyết trong việc kiểm tra giám sát, giải quyết hậu quả. Dẫu sao dư luận cũng hoan nghênh sự vào cuộc tích cực cũng như giải pháp mà UBND thành phố lựa chọn, là cần khẩn trương triển khai phương án xây dựng đường ống mới (đường ống thứ hai) nhằm giải quyết triệt để bài toán cung cấp nước sạch cho hơn 70.000 hộ dân ở phía tây Thủ đô. Trước mắt, lãnh đạo thành phố đã huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến đường ống độc lập từ Hòa Lạc về vành đai III Hà Nội nhằm giảm áp cho tuyến ống sông Đà hiện nay. Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày, song yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm chất lượng công trình.


Dẫu có giải quyết theo hướng nào, kể cả đầu tư làm đường ống mới, thì người dân vẫn đòi hỏi cần phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Không thể chấp nhận cả nghìn tỷ đồng vốn đầu tư (trong đó phần lớn là vốn ngân sách nhà nước) bị cuốn theo đường ống vỡ mà không có ai chịu trách nhiệm cả.

 

Yến Nhi

Đầu tư tuyến dẫn nước sông Đà: Cần 'chọn mặt gửi vàng' - Bài 1
Đầu tư tuyến dẫn nước sông Đà: Cần 'chọn mặt gửi vàng' - Bài 1

Thực tế cho thấy hiện tuyến dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà về Thủ đô là độc đạo nên khi xảy ra sự cố là tê liệt toàn hệ thống này với sản lượng cung cấp chiếm tới 30% nguồn nước cung cấp cho toàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN