Không chỉ con cá tra…

1. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) đưa ra dự báo năm 2011 sản lượng cá tra xuất khẩu sẽ giảm gần 40% so với năm 2010. Nguyên nhân không phải do yếu tố khách quan như giá cả, thị trường mà lại nằm ở chính bản thân chúng ta: Thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng; nghĩa là ta không có đủ cá để xuất khẩu.


Điều này mới nghe tưởng như vô lý nhưng nguyên nhân thì lại rất cụ thể và rõ ràng: Nhiều nông dân treo ao không nuôi cá. Ngoài lý do giá thức ăn tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng… thì còn có một nguyên nhân cố hữu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta: Đó là sự bấp bênh trong tiêu thụ sản phẩm.

2. Không cứ gì con cá tra mà nhiều cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như mía, cà phê, điều, cao su và ngay cả cây lúa… cũng đã nhiều phen lao đao bởi cảnh… được mùa rớt giá.


Cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại: Giá lên thì đổ xô vào nuôi trồng dẫn đến cung lớn hơn cầu, các doanh nghiệp làm cao ép giá dẫn đến nông dân thua lỗ bỏ nuôi trồng và hệ quả là các doanh nghiệp tranh nhau nâng giá nguyên liệu cũng không có mà mua… để lại dẫn đến chu kỳ nuôi trồng theo phong trào dẫn đến… được mùa rớt giá… Đó là kiểu sản xuất tự phát dẫn đến sự bấp bênh cho cả người nông dân và doanh nghiệp.

3. Đã có lúc, có nơi có doanh nghiệp ký hợp đồng về đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng vẫn diễn ra cảnh người nông dân phá bỏ hợp đồng khi có doanh nghiệp khác mua giá cao hơn và ngược lại, cũng có không ít doanh nghiệp khi nguồn nguyên liệu dồi dào thì… bỏ rơi nông dân.


Cái sự liên kết lỏng lẻo ấy dẫn đến sự bất ổn định cho cả nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và ngành công nghiệp chế biến. Điều đó dẫn đến hệ quả là mặc dù là nước cung cấp nhiều nông sản ở trong tốp đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa có những thương hiệu mạnh, giá trị xuất khẩu thấp và đặc biệt là không nắm được quyền chi phối thị trường… Hậu quả là thiệt hại cho cả người sản xuất và nền kinh tế đất nước.

4. Vấn đề ở đây là bản chất cố hữu của người nông dân nước ta vẫn là tư duy theo lối tiểu nông sản xuất nhỏ, manh mún và không ít chủ doanh nghiệp cũng xuất thân từ nông dân nên vẫn mang nặng lối tư duy tiểu nông này.


Vì thế, để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn trong sản xuất – chế biến nông sản ở nước ta, rất cần vai trò của các cơ quan chức năng chuyên ngành, các hội nghề nghiệp và sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp.

Chỉ có khi thiết lập được liên minh chặt chẽ giữa người nông dân và các doanh nghiệp thì mới có thể xây dựng được một nền nông nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm được lợi ích cho cả người nông dân, doanh nghiệp và đất nước.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN