Khi tuyển thủ “kén cá chọn canh”

1. Với một vận động viên thể thao, ở bất cứ môn nào, được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia là một vinh dự lớn. Nên thật dễ hiểu, mới đây, nhà vô địch nội dung đôi nam quần vợt quốc gia Lê Quốc Khánh đã có những phản ứng mạnh mẽ khi vận động viên này bị loại ra khỏi đội tuyển quần vợt quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 26 bởi sự thiếu công tâm của những người cầm cân nẩy mực. Rất may, sự việc đã được cơ quan có trách nhiệm khẩn trương vào cuộc và mọi việc nhanh chóng được làm sáng tỏ.

2. Ấy vậy, cũng có không ít vận động viên được gọi vào đội tuyển nhưng lại thoái thác nhiệm vụ. Chỉ cách đây ít ngày, cầu thủ Quốc Anh (thuộc biên chế CLB Thành phố Hồ Chí Minh) trong thời gian tập trung cùng đội tuyển U23 chuẩn bị cho SEA Games 26, bỗng “mất tích” một cách khó hiểu. Trước đó, Quốc Anh xin phép trở về Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết việc riêng và đề nghị này được Ban huấn luyện chấp nhận. Nhưng thay vì tập trung đúng hạn, cầu thủ này lại nhắn tin thông báo với người có trách nhiệm là xin rút khỏi đội tuyển mà không đưa ra lý do chính đáng.

3. Đây không phải là lần đầu tiên một tuyển thủ quốc gia rời bỏ đội tuyển. Cách đây một vài mùa bóng, tiền vệ Tấn Tài (Khánh Hòa), thủ môn Dương Hồng Sơn (Hà Nội T&T)… cũng có những hành động tương tự. Tấn Tài khi là cầu thủ của đội hạng nhất Khánh Hòa được HLV Tavares triệu tập vào đội tuyển quốc gia, nhưng cầu thủ này đã xin rút lui với lý do: Áp lực ở đội tuyển quá lớn?. Quyết rời đội tuyển bằng mọi giá, Tấn Tài đã có những hành động kỳ quặc là quỳ lạy HLV trưởng Tavares. Còn với Dương Hồng Sơn, lý do để thủ môn người xứ Nghệ không thể cùng đội tuyển Việt Nam tới Libăng thi đấu trận vòng loại Asian Cup 2011 là… mất hộ chiếu?. Dư luận cho rằng, việc mất hộ chiếu chỉ là “chiêu” để Dương Hồng Sơn tránh không phải tham dự trận đấu đã không còn nhiều ý nghĩa với đội tuyển Việt Nam. Vụ việc gây ầm ĩ dư luận, nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng chẳng tiến hành điều tra, xử lý đến nơi đến chốn.

4. Chưa bao giờ tư cách đạo đức cầu thủ lại bị dư luận chỉ trích gay gắt như thời gian qua. Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn là không ít tuyển thủ có động cơ không trong sáng khi làm nghĩa vụ ở đội tuyển quốc gia. Họ đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, thi đấu không phải vì “màu cờ sắc áo”, mà vì tiền thưởng. Thế mới có chuyện, một số tuyển thủ “kén cá chọn canh”, chỉ sốt sắng với những giải đấu hứa hẹn nhiều bổng lộc.

5. Với cách hành xử như vừa nêu, thì thành tích của thể thao nước nhà khi ra đấu trường quốc tế chỉ là “thi đấu xong ta lại trở về” cũng là dễ hiểu.
Đã đến lúc cần phải xem lại công tác tuyển chọn vận động viên quốc gia, đồng thời không thể coi nhẹ việc giáo dục tư cách, đạo đức cho các tuyển thủ.

Yến Nhi
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN