Khi chè là rừng

Rừng phòng hộ đầu nguồn không những liên quan thiết thân đối với cuộc sống, sản xuất người dân bản địa mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc trồng rừng phòng hộ đầu nguồn từ trước đến nay gặp không ít khó khăn mà một trong những nguyên nhân trong đó có vấn đề ý thức của người dân địa phương. Chẳng thế mà có nơi tốc độ trồng không theo kịp tốc độ phá rừng; hoặc xảy ra tình trạng hữu sinh vô dưỡng, hết dự án thì rừng cũng… chết. Và, người dân không mặn mà với chương trình, dự án.

Ấy thế mà mới đây, người dân ở xã Sinh Long, huyện Na Hang (Tuyên Quang) lại đua nhau trồng rừng phòng hộ mà không cần vận động, không cần dự án, cũng không cần hỗ trợ từ kinh phí nhà nước.

Số là sau khi ông Hoàng Dùng Hiấng, dân tộc Dao đỏ ở thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long, huyện Na Hang cải tạo hơn hai chục ha đồi núi trọc để đầu tư trồng chè Shan tuyết không những phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định, hàng trăm gia đình đã chủ động đến học hỏi kinh nghiệm và chỉ trong thời gian ngắn, toàn huyện đã phủ xanh được 1.100 hecta.

Cũng là chè nhưng chè Shan tuyết thân cây to cao, tán rộng. Vì thế, bên cạnh giá trị của búp thì cây chè này còn có tác dụng không thua kém cây keo vốn vẫn được sử dụng để phủ xanh đất trống đồi trọc. Đặc biệt, cây chè Shan tuyết nhanh cho thu hoạch mà vòng đời lại dài, không như cây keo thu hoạch xong lại phải trồng lứa mới. Hiệu quả thì thấy rõ: Trước đây, xã Sinh Long có trên 80% hộ nghèo và là một xã nghèo nhất của huyện Na Hang, nhưng sau khi trồng rừng bằng chè Shan tuyết, số hộ nghèo giảm chỉ còn một nửa so với trước.

Tác dụng của rừng phòng hộ đầu nguồn thì ai cũng hiểu, nó giúp cho việc giữ đất, giữ nước, điều hòa dòng chảy, chống xói mòn rửa trôi thoái hóa đất, chống bồi đắp sông ngòi, hồ đập, giảm thiểu lũ lụt, hạn chế hạn hán và giữ gìn được nguồn thủy năng lớn cho các nhà máy thủy điện… Tuy nhiên đối với bà con địa phương thì trồng rừng chưa cho ngay cái ăn cái mặc. Và, bà con trong khi thực hiện trồng rừng theo dự án, chương trình thì vẫn phải bươn chải để lo cơm áo hằng ngày.

Nhưng với rừng chè thì khác, nó không những có tác dụng phòng hộ mà còn bảo đảm cho người trồng rừng cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy mà không cần tuyên truyền, vận động, việc trồng rừng này rất nhanh chóng đi vào cuộc sống với tính tự giác cao của người dân.

Một trong những nguyên nhân là nó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đây là bài học không chỉ trong việc trồng rừng.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN