Khẳng định vai trò của báo chí chính thống

Những bước tiến vượt bậc của khoa học – công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số, trong những năm gần đây đã dẫn đến sự phát triển nhanh đến chóng mặt của Internet và không gian mạng.

Các ấn phẩm của TTXVN với thông tin kịp thời, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc.

Đến nay, mạng xã hội hầu như đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Với ưu thế nhanh, nhạy, tính tương tác cao và sự lan tỏa lớn..., mạng xã hội đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt với báo chí truyền thống. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, vai trò của báo chí truyền thống không những không suy giảm mà ngày càng quan trọng trong một xã hội bùng nổ thông tin.


Việc phát triển ồ ạt của mạng xã hội một mặt là nguy cơ đe dọa nhưng mặt khác cũng là cơ hội để báo chí truyền thống tạo bước ngoặt phát triển mới và khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội. Vấn đề là ở chỗ, báo chí truyền thống có nhận thức được vai trò và sứ mệnh của mình, có đủ dũng cảm và năng lực để tự lột xác hay không.


Trước hết nói về vai trò của báo chí truyền thống trong việc cung cấp thông tin chính xác, khách quan và chân thực. Dù còn có sự đánh giá khác nhau về tác động và vai trò của mạng xã hội nhưng mọi người đều phải thừa nhận, diện “phủ sóng” của mạng xã hội đang ngày càng lớn và tăng với cấp số... lũy thừa. Sự “phủ sóng” ở đây bao hàm cả về nội dung và đối tượng, cả về không gian và thời gian.


Tuy nhiên, sau một thời gian hăm hở “ăn facebook, ngủ facebook”, bên cạnh mặt tích cực, không ít người cũng dần nhận ra mặt trái của mạng xã hội, trong đó có hậu quả của sự nhiễu loạn thông tin. Thông tin trên mạng xã hội nhanh thật, phong phú thật... nhưng đó là thông tin không được kiểm chứng, thiếu cơ sở cả về thực tế và pháp lý nên cộng đồng mạng đã phải tiếp nhận không ít thông tin sai, phiến diện, một chiều, thậm chí là thông tin giả mạo, bịa đặt hoàn toàn.


Đồng thời, một khi tham gia mạng xã hội, nếu không đủ tỉnh táo và bản lĩnh, người ta dễ bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông nên thường cuốn vào dòng dư luận với những “bình luận”, “chia sẻ” theo những xu hướng cực đoan khác nhau, làm cho có những thông tin có thể đúng về hiện tượng nhưng bị lái theo những thiên kiến chủ quan, dẫn đến sai lệch về bản chất. Điều đó dẫn đến thật giả lẫn lộn, khiến không ít người hoang mang. Đây chính là lúc họ cần đến thông tin chính xác, tin cậy, thông tin chính thức và tìm đến “kênh kiểm chứng” là báo chí chính thống.


Do đó, việc cung cấp kịp thời thông tin chính xác, khách quan và chân thực không những là nhiệm vụ của báo chí mà còn là sự đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi tự thân của xã hội. Xã hội càng văn minh càng cần đến thông tin chính xác, chân thực và nhân văn; đó chính là thế mạnh của báo chí chính thống.


Vấn đề là ở chỗ, báo chí truyền thống phải tự lột xác, vượt lên chính mình để đáp ứng nhu cầu công chúng, làm chủ trên mặt trận truyền thông, gánh vác và làm tròn sứ mệnh của mình chứ không phải là chạy theo mạng xã hội hay thậm chí là để mạng xã hội dẫn dắt. Không những cần phải cung cấp thông tin chính xác, khách quan, chân thực, báo chí chính thống còn cần khẳng định vai trò của mình qua việc phản bác những thông tin sai lệch, bịa đặt để định hướng dư luận. Thông tin sai lệch không phải chỉ trên lĩnh vực chính trị, mà ngày càng nhiều thông tin sai lệch liên quan đến mỗi con người, đến mọi mặt của đời sống.

Các cơ quan Thông tấn báo chí phỏng vấn đại biểu tham dự Hội nghị quan chức cao cấp lần 2 (SOM 2), năm 2017.

Sự sai lệch của thông tin có khi về nội dung, bản chất; nhưng cũng có thông tin sai lệch ở việc đánh giá, nhận xét, bình luận của các thành viên cộng đồng mạng. Sự sai lệch ấy có thể do cố ý để phục vụ cho mục đích không trong sáng hay ý đồ cá nhân nào đó, nhưng cũng có thể là do nhận thức, hoặc chưa đủ thông tin mà vô tình tiếp tay cho những động cơ mờ ám. Nhưng có một điều dễ nhận ra là, dư luận trên mạng thường hay bị cảm tính chi phối và dẫn dắt.

Vì vậy, đây là lúc rất cần sự tỉnh táo của báo chí chính thống bằng những bài phản biện, phản hồi, phân tích có lý có tình để công chúng nhận thức được bản chất vấn đề, tránh bị cuốn vào vòng xoáy nhiều khi mang tính cực đoan của mạng xã hội.


Đây không phải chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm xã hội cực kỳ quan trọng của báo chí chính thống. Với chức năng là cơ quan thông tin chiến lược, Thông tấn xã Việt Nam đã và đang thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước, cung cấp nguồn tin chính thống, tin cậy, chính xác cho hệ thống truyền thông cả trong nước và thế giới; đồng thời thực hiện tốt tuyến thông tin đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch cũng như thông tin phản hồi kịp thời, mang tính định hướng về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.


Tuy nhiên, báo chí muốn khẳng định được vai trò của mình thì ngoài những vấn đề mang tính tư tưởng như lập trường, quan điểm, định hướng và nội dung như trình bày ở trên, vấn đề mang tính quyết định còn lại là báo chí phải cạnh tranh được với mạng xã hội về tính cập nhật, sự phong phú về hình thức thể hiện, đa dạng về loại hình. Và điều then chốt là báo chí phải hấp dẫn và đủ sức thuyết phục, làm cho công chúng tâm phục khẩu phục. Muốn thế, người làm báo phải đặt mình vào vị trí của người tiếp nhận thông tin để tránh lối nói áp đặt, chủ quan, một chiều hay nói lấy được.


Xã hội càng phát triển, công chúng càng cần thông tin nhanh, phong phú, nhưng đồng thời cũng càng cần thông tin chính xác, chân thực, tin cậy, nhân văn. Do đó, mạng xã hội càng phát triển sẽ càng tạo cơ hội cho báo chí chính thống, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam, khẳng định vai trò của mình. Nhưng để thực hiện được điều đó, báo chí vừa phải đuổi kịp (và dần vượt lên) mạng xã hội về độ cập nhật, sự phong phú của thông tin; đồng thời lại phải tạo được sự khác biệt ở tính chính xác, chân thực, cân bằng và tính nhân văn bằng chính uy tín của mình, để xứng đáng là kênh kiểm chứng thông tin.


Để làm được điều đó, báo chí và người làm báo cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ và trình độ công nghệ. Hay nói cách khác, báo chí cần phải cạnh tranh với mạng xã hội cả về nội dung và hình thức, cả về thời gian và không gian, bằng cả chính trị, nghiệp vụ và công nghệ.


Bùi Văn Doanh
Nâng cao vai trò của báo chính thống
Nâng cao vai trò của báo chính thống

Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh và sự phát triển như vũ bão của công nghệ di động, đã có không ít ý kiến băn khoăn, thậm chí lo ngại vai trò của báo chí chính thống bị lu mờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN