Hiểm họa tín dụng đen

Dễ vay, khó trả và hậu quả khôn lường. Đó là lời cảnh tỉnh nhức nhối trước thực trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đang hoành hành hiện nay.

Giao dịch cho vay tài sản đã có trong xã hội từ lâu. Trong một nền kinh tế thị trường năng động như Việt Nam, các giao dịch vay đó trở nên đơn giản hơn, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Song đây cũng chính là môi trường để hoạt động cho vay với lãi suất cắt cổ, hoạt động tín dụng đen bùng phát.      

Tín dụng đen là vấn đề nhức nhối. Có rất nhiều chiêu trò, song thủ đoạn chung của những đối tượng cho vay đó là tiếp cận những người đang gặp khó khăn về tài chính, cung cấp dịch vụ cho vay tiền một cách dễ dàng, thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Người vay tiền chỉ cần chụp ảnh Chứng minh thư nhân dân (hay Căn cước công dân), hoặc thế chấp một giấy tờ như bằng lái xe máy, là có thể vay số tiền từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng.     

Sau đó, trong thời gian ngắn, người vay sẽ phải thanh toán số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, tiền vay sẽ bị cộng dồn cả gốc lẫn lãi, rồi thì “lãi mẹ đẻ lãi con”, có những trường hợp lãi dồn lên tới hơn 2.000% / năm. Đây chính là lúc chiếc vòi bạch tuộc tín dụng đen bắt đầu hiện nguyên hình và “hút máu” người vay tiền. Con nợ sẽ bị thúc ép thanh toán liên tục, bản thân và thậm chí người nhà bị các nhóm đòi nợ thuê khủng bố tinh thần, đe dọa, hành hung. Với những ai đã trót dính vào tín dụng đen thì đúng là khổ sở, sống không bằng chết.    

Thời gian gần đây, thị trường tài chính nước ta phát triển mạnh mẽ, với nhiều kết quả vượt bậc dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Lợi dụng điều này, một số hình thức cho vay tín dụng đen công nghệ cao cũng mọc như nấm sau mưa, phổ biến nhất là cho vay qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc qua trang web online; cho vay qua Zalo, Facebook… Chỉ cần vài thao tác đơn giản, ví dụ như tìm kiếm từ khóa “Vay nhanh” trên Google, là mọi người có thể thấy hàng loạt ứng dụng cho vay trực tuyến. Chúng lập các hội nhóm trên mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền. Hoạt động tín dụng đen trên mạng nhưng lại gắn với hoạt động đòi nợ thuê trong đời sống thực. Thủ đoạn này thật ra không mới, song nhiều người vẫn sập bẫy.    

Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi ấn tượng sau 2 năm đại dịch COVID-19. Hàng loạt khu công nghiệp trên cả nước mở cửa trở lại, hàng triệu lao động quay lại công xưởng, nhà máy. Tuy vậy, đâu đó cuộc sống người lao động vẫn còn khó khăn. Lợi dụng điều này, tình trạng cho vay nặng lãi xuất hiện với những chiêu trò ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi, với ngôn từ rất mỹ miều như: dịch vụ hỗ trợ tài chính mọi lúc mọi nơi, cầm đồ, vay nhanh - trả gọn, thuận tiện… Hoạt động tín dụng đen biến tướng dưới nhiều hình thức, từ khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn đầu tư, tới ủy thác đầu tư trái phiếu lãi suất cao.

Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và niềm tin của nhân dân, trong đó có công nhân lao động. Nhiều người lao động đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn "vay dễ, trả khó" này, khiến cuộc sống vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn, nhiều gia đình tan cửa nát nhà, an ninh trật tự tại địa phương bị xáo trộn, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.      

Thiết nghĩ, để dẹp dịch tín dụng đen, chúng ta cần một giải pháp tổng thể, có sự vào cuộc của nhiều bộ ngành. Thực tiễn cho thấy việc ngăn chặn và xóa sổ tín dụng đen là nhiệm vụ, chức năng của nhiều bộ, ngành và các địa phương, chứ không riêng ngành ngân hàng. Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8 vừa qua, trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về vấn đề tội phạm tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục tấn công, trấn áp tội phạm; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thường xuyên cảnh báo người dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Theo số liệu của Bộ Công an, quy mô hoạt động tín dụng đen tại nước ta là rất lớn, với hàng trăm nghìn khách hàng vay, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc xử lý loại tội phạm này có vẻ khá khó khăn, chưa đủ sức nặng và chủ yếu vẫn là phạt hành chính. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), người phạm tội cho vay nặng lãi và thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Rõ ràng với qui mô và mức động nghiêm trọng của “thị trường tín dụng đen” hiện nay, mà bản chất chính là loại hình tội phạm kiểu xã hội đen, dường như khung hình phạt trên chưa đủ sức răn đe, chưa thể hiện được hết sự nghiêm minh của pháp luật.     

Để chặt “vòi bạch tuộc” tín dụng đen, ngành ngân hàng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trên thực tế, một trong những nguyên nhân khiến người dân phải tìm tới các nguồn vay với lãi suất cắt cổ đó là họ khó tiếp cận nguồn vay chính thống bởi thủ tục rườm rà, thời gian xét duyệt mất thời gian. Chưa kể, với nhiều quy định chặt chẽ, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện vay tiền ngân hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có tới 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận vốn ngân hàng. Số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp. Trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, thì nguồn tín dụng phi chính thức lại luôn sẵn sàng, với thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, nguồn vốn dồi dào.    

Để giải quyết bất cập này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra những giải pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay, giúp người lao động có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vay chính thức với lãi suất hợp lý. Ví dụ như việc triển khai gói cho vay 20.000 tỷ đồng, với thủ tục đơn giản và lãi suất chỉ bằng một nửa lãi vay hiện tại, đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai là hướng đi đúng đắn.     

Một giải pháp khác, cũng quan trọng không kém, đó là nâng cao nhận thức của người dân trước hiểm họa tín dụng đen. Miếng phô-mai miễn phí chỉ có trong bẫy chuột mà thôi. Người dân hãy đề cao cảnh giác khi được mời chào vay tiền một cách quá dễ dàng, thủ tục đơn giản nhanh gọn. Thủ đoạn này khiến những người đang cần tiền mất cảnh giác, không để ý điều khoản, lãi suất, không lường hết hậu quả xảy ra, dẫn tới bị sập bẫy. Và một khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, từ ngành công an, ngân hàng, cho tới người dân, chắc chắn hoạt động động tín dụng đen sẽ không còn đất sống.  

Trần Thanh Tuấn
Đấu tranh, phòng chống tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen
Đấu tranh, phòng chống tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xử lý các vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN