Hãy làm với người khuyết tật!

1. Hôm nay (3/12) chính là ngày được Liên hợp quốc chọn làm Ngày quốc tế người khuyết tật. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có trên 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,4% dân số. Cũng theo con số thống kê, tỷ lệ người khuyết tật trong độ tuổi lao động ở nước ta chiếm khoảng 70% và hiện cũng có khoảng 70% người khuyết tật ở nước ta sống cùng gia đình tại nông thôn với mức sống nghèo khổ mà nguyên nhân chính là do họ không có việc làm ổn định.

Niềm vui của các em khuyết tật bên các thanh niên tình nguyện. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

2. Do hạn chế của bản thân, do mặc cảm, người khuyết tật rất khó khăn trong việc học nghề. Nhưng ngay cả khi đã có nghề trong tay, người khuyết tật cũng rất khó tiếp cận việc làm. Để giúp người khuyết tật có cơ hội được làm việc, đã có rất nhiều cơ sở dạy nghề miễn phí cho họ. Qua học nghề, hầu hết người khuyết tật đều chứng tỏ được khả năng lao động của mình. Tuy nhiên cơ hội có việc làm đối với họ vẫn rất nhỏ nhoi. Vì vậy, hầu hết người khuyết tật học xong chỉ có thể làm việc trong những cơ sở của người khuyết tật. Trong khi đó, trên cả nước mới chỉ có hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người khuyết tật với trên 25.000 người đang làm việc. Con số này là quá ít so với nhu cầu làm việc của người khuyết tật ở nước ta.

3. Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (năm 2006) và Luật Người khuyết tật (năm 2010) của nước ta đều khẳng định quyền bình đẳng của người khuyết tật và trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội đối với người khuyết tật. Luật Lao động năm 1994 của nước ta cũng quy định cụ thể về việc làm cho người khuyết tật; trong đó có nêu cụ thể chỉ tiêu 2 – 3% lực lượng lao động trong doanh nghiệp phải là người khuyết tật. Thế nhưng trong thực tế, liệu có mấy doanh nghiệp thực hiện được chỉ tiêu này?

Lớp dạy nghề thêu tranh lụa nghệ thuật cho trẻ khuyết tật. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN.

4. Nhiều doanh nghiệp rất hào hiệp trong công tác từ thiện xã hội, không tiếc công, tiếc của giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có người khuyết tật, nhưng họ lại rất dè dặt, đắn đo khi tiếp nhận người khuyết tật làm việc. Trong khi đó, việc làm đối với người khuyết tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ giúp người khuyết tật tự bảo đảm được cuộc sống cho mình, giảm bớt khó khăn cho gia đình, xã hội mà quan trọng hơn là điều đó khẳng định sự bình đẳng, giúp họ xóa bỏ được mặc cảm và đóng góp được công sức cho xã hội.

5.Chính vì thế, một trang web giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật đã nêu khẩu hiệu: “Hãy làm với người khuyết tật! Đừng làm cho người khuyết tật…”.

Mong rằng cánh cửa các doanh nghiệp hãy rộng mở với người khuyết tật không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì quyền được làm người, quyền được lao động của người khuyết tật và tính nhân văn trong mỗi con người trước bất hạnh của đồng loại.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN