Hãy là người tiêu dùng thông thái

Cận Tết Nguyên đán, trái cây nhập khẩu tràn ngập thị trường, nhất là các mặt hàng cam, quýt, táo, lê, mận… Yếu tố tích cực là người tiêu dùng được quyền lựa chọn những sản phẩm ưng ý, giá cũng phải chăng.

Nhưng về mặt vĩ mô, trái cây nhập khẩu tràn lan, thiếu kiểm soát sẽ làm mất cân bằng thị phần của trái cây trong nước, đẩy trái cây trong nước vào bĩ cực; mặt khác cũng tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm, sự trà trộn xuất xứ hàng hóa nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Một thực tế rất khó lý giải, rất nhiều loại trái cây trong nước được mùa, nhưng vẫn được nhập khẩu. Đặc biệt là vào thời điểm cuối năm (Âm lịch), các doanh nghiệp và giới tiểu thương đổ xô lên cửa khẩu để đánh hàng để phục vụ Tết Nguyên đán. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vựa trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và miền Bắc đều được mùa, nguồn cung trong nước rất dồi dào, nhưng hoa quả nhập ngoại (Trung Quốc, Thái Lan, Australia) vẫn tràn ngập trên thị trường. Quanh khu vực Hà Nội, ngoài Chợ đầu mối Long Biên hiện hình thành rất nhiều chợ đầu mối nông sản như Hòa Đình (Bắc Ninh), Song Phương (Hà Nội), Cát Quế (Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Phúc)… để tập kết, trung chuyển hàng tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Hầu hết các loại trái cây bán tại các siêu thị hiện nay đều được gắn nhãn mác nhập khẩu, có những xuất xứ từ những thị trường uy tín... Với tình hình trái cây Trung Quốc tràn lan hiện nay, người tiêu dùng e ngại liệu có bị trà trộn với sản phẩm được nhập khẩu từ Australia, Mỹ, Pháp… Tâm lý người tiêu dùng thường tin vào các loại trái cây có nhãn mác nhập khẩu, bởi trái cây có nhãn mác như vậy thì độ an toàn sẽ cao hơn. Hơn nữa, những loại hoa quả nhập khẩu này chủ yếu được bán tại các siêu thị hoặc các cửa hàng chuyên bán sản phẩm nhập khẩu. Chính vì thế, người tiêu dùng có cảm giác yên tâm hơn vì cho rằng những loại hoa quả này đã được kiểm định kỹ càng trước khi được đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số loại trái cây được dán nhãn nhập khẩu từ châu Âu hoặc Australia, nhưng thực chất chỉ là hoa quả Trung Quốc được “phù phép” bằng vài chiếc túi lưới và nhãn mác được bày bán tại các cửa khẩu hàng không. Chưa hết, trên một số diễn đàn internet, một số trang facebook cá nhân, rất nhiều người tiêu dùng đã chia sẻ thông tin và hình ảnh về một số loại hoa quả có mác nhập khẩu nhưng chất lượng kém, thậm chí không ít sản phẩm được ngâm tẩm hóa chất...

Theo cơ quan chức năng, việc kiểm tra các lô hàng hoa quả nhập khẩu hiện nay chủ yếu là bằng cảm quan, bởi vậy rất khó bảo đảm lô hàng đó có an toàn hay không? Thông thường, các sản phẩm này đều sử dụng hóa chất để bảo quản, nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn. Bên cạnh đó, mặc dù việc kiểm tra, kiểm soát an toàn trái cây nhập khẩu qua các cửa khẩu vẫn được triển khai, nhưng chủ yếu là bằng cảm quan của những người thực thi công vụ.

Còn việc lấy mẫu thử, vì nhiều lý do (chi phí tốn kém, mất thời gian chờ đợi…) nên không được tiến hành thường xuyên, mà chỉ thực hiện theo đợt, kế hoạch. Phương pháp kiểm tra phổ biến nhất đang được cơ quan chức năng áp dụng là kiểm tra trên giấy tờ, quan sát lô hàng, thấy không có gì bất thường là cho thông quan. Do vậy, những lô hàng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm lọt qua cửa khẩu hoàn toàn có thể hiểu được.

Có lẽ, cách phòng tránh hiệu quả nhất là hãy trở thành người tiêu dùng thông thái. Đừng quá sính ngoại hoặc tin tưởng thái quá vào những chiếc mác nhập khẩu, mà thiếu quan tâm đến mẫu mã, chất lượng của trái cây nhập khẩu.
Yến Nhi
Nghĩa cử tương thân, tương ái
Nghĩa cử tương thân, tương ái

Tết Bính Thân 2016 đã cận kề. Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước đang nỗ lực chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN