Hạn, mặn không còn là chuyện nhất thời

Một thông tin không thể vui, đến cuối tháng 3/2016, đã có hơn 2 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL - khoảng 12% dân số trong vùng) chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn, mặn. Đây là con số chỉ tính trên nông dân sản xuất lúa bị thiệt hại và thiếu nước ngọt.

Nếu tính cả diện tích nuôi thủy sản, cây ăn quả và chăn nuôi, thì gần 1/3 dân số vùng này đang gánh chịu những hậu quả ở mức độ khác nhau. Nói như thế để thấy rằng, việc tìm ra phương thức để “chung sống với hạn, mặn” đang là một đòi hỏi.

Qua tìm hiểu tình hình thực tế và làm việc với lãnh đạo một số tỉnh ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề từ hạn, mặn, có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Đó là trong tột cùng của khó khăn, vẫn luôn lóe lên sự hy vọng. Hạn, mặn không còn là câu chuyện nhất thời, biến đổi khí hậu cũng ngày càng tác động xấu đến vùng sản xuất lương thực lớn nhất cả nước. Nói khác đi, an ninh lương thực vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Nhưng cũng cần lạc quan rằng, dù khó khăn thách thức rất lớn, nhưng cũng có không ít cơ hội. Thiên nhiên không lấy đi tất cả, mà thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho con người những món quà ở vào thời điểm khó khăn nhất. Vấn đề đặt ra, con người phải biết cách tận dụng cơ hội, chớp lấy cơ hội để tồn tại, phát triển.

Thống kê cho thấy, hiện ĐBSCL có khoảng 1,5 triệu nông dân trồng lúa và 500.000 người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Sự đe dọa với ĐBSCL là nghiêm trọng hơn dự báo. Những gì mà người dân ĐBSCL hiện đang phải hứng chịu, chưa có gì để bảo đảm rằng nó sẽ không lặp lại và hậu quả của nó chắc chắn sẽ được ngăn chặn. Do vậy, ứng phó với hạn, mặn không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà phải tính toán dài hạn. Trước hết là điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn, mặn; trong đó cần chú ý các giải pháp trước mắt như vùng thiếu nước cần có phương án chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, bố trí dịch chuyển khung thời vụ cho phù hợp để tránh hạn; đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới…

Cần khẳng định, thế mạnh của ĐBSCL là cây lúa, con tôm, một số loài thủy sản khác và cây ăn quả. Nhiều năm trở lại đây, các địa phương trong vùng đã có những nỗ lực tìm ra lời giải phòng chống hạn, mặn có hiệu quả. Tuy nhiên, những gì mang lại chưa thực sự như mong đợi. Song cũng phải thấy rằng, đây là hướng đi đúng và có thể coi đó là một lợi thế. Vấn đề đặt ra là cần lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có khả năng cạnh tranh cao, đem lại lợi ích cả trước mắt lẫn lâu dài cho người dân.

Với người dân vùng ven biển ĐBSCL, thì nước mặn xâm nhập là cơ hội để phát triển nuôi tôm. Có điều, cần tạo mọi điều kiện để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để người nuôi tôm thu được hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, cần có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch về đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong bối cảnh hạn, mặn, đồng thời phải chú trọng giải quyết sinh kế bảo đảm đời sống cho người dân.

Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, tình hình đầu tư các công trình phòng chống hạn mặn còn manh mún; địa phương nào biết địa phương đó, mỗi nơi yêu cầu một khác, thiếu các công trình mang tính liên vùng. Đơn cử, một số vùng ở Bạc Liêu thì cần cần nước mặn nuôi tôm; còn Sóc Trăng lại cần nước ngọt trồng lúa... Trong bối cảnh như vậy, cần sự rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các công trình phòng chống hạn, mặn; từ đó mạnh dạn loại bỏ công trình không còn phát huy tác dụng; tập trung đầu tư cho công trình có khả năng thích ứng cao.

Những gợi mở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công tác tại một số tỉnh vùng ĐBSCL mới đây về việc tận dụng nước mặn nuôi tôm vùng ven biển; chuyện lai tạo, thuần phục các giống lúa chống chịu mặn của các nhà khoa học tại Trường ĐH Cần Thơ…, chính là những tín hiệu vui đầu tiên để ĐBSCL vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu, chấp nhận “chung sống” với hạn, mặn.
Yến Nhi
Về nơi 30 năm đắp đập chống mặn
Về nơi 30 năm đắp đập chống mặn

Xâm nhập mặn và chống hạn hán hiện đang là vấn đề nóng của các địa phương trong cả nước. Thế nhưng ở xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) việc chống xâm nhập mặn người dân đã thực hiện hàng chục năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN