Đừng "thêm dầu vào lửa"

Trong bối cảnh Liên hợp quốc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch hòa bình tại Xyri, hai vụ đánh bom liều chết kinh hoàng xảy ra tại thủ đô Đamát sáng 10/5, làm ít nhất 55 người thiệt mạng và 375 người bị thương, khiến dư luận không khỏi lo ngại về sự can thiệp của bên ngoài vào cuộc chiến ở Xyri.


Kể từ khi kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL), ông Kofi Annan được triển khai, phương Tây luôn tỏ thái độ nghi ngờ về khả năng thành công. Mặc dù tuyên bố ủng hộ các động thái giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình nhưng cách hành xử của phương Tây dường như đi ngược với quan điểm trên khi luôn đe dọa ngừng triển khai các quan sát viên LHQ tại Xyri, để dọn đường cho những biện pháp can thiệp mạnh hơn.

 

Bên cạnh đó, có thể nói sự hậu thuẫn công khai của phương Tây dành cho phe đối lập Xyri ngay trong thời điểm thực thi kế hoạch hòa bình cũng đã kích động các nhóm vũ trang tiếp tục đối đầu với chính phủ. Chính vì vậy, như một hậu quả tất yếu, bạo lực vẫn leo thang tại quốc gia Trung Đông này bất chấp sự hiện diện của các quan sát viên LHQ và những lời kêu gọi đình chiến của cộng đồng quốc tế.


Vụ tấn công kinh hoàng ngày 10/5 như đổ thêm dầu vào chảo lửa Xyri vốn đang bốc cháy dữ dội, làm nổi rõ một thực tế triển vọng hòa bình tại quốc gia này trở nên mờ mịt khi vẫn còn những thế lực rắp tâm phá hoại các nỗ lực hòa bình, nhằm thay đổi tình hình theo những toan tính của họ.

 

Cho đến thời điểm này, chưa có một tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ bạo lực nói trên; song khó có thể nghi ngờ các lực lượng vũ trang của chính phủ Xyri là thủ phạm. Điều rõ ràng là một khi kế hoạch hòa bình thất bại, chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề từ những biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao và đi xa hơn là hành động can thiệp quân sự. Đó chính là kịch bản mà một số thế lực nước ngoài và phe đối lập tại Xyri đang mong đợi.


Mục tiêu của kế hoạch hòa bình là thiết lập tiến trình đối thoại, tạo nền tảng cho việc tìm kiếm một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 14 tháng qua tại Xyri. Tuy nhiên, để kế hoạch này thành công, không chỉ cần sự đồng thuận giữa các phe phái ở Xyri mà còn cần đến sự ủng hộ công tâm của các nước trên thế giới để đạt được mục tiêu lớn nhất, đó là hòa bình, là cuộc sống bình yên của hàng triệu dân thường vô tội ở quốc gia Trung Đông này. "Chảo lửa" Xyri không cần đổ thêm dầu.

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN