Đừng ăn xổi

Dự kiến lễ tổng kết mùa giải 2011-2012 sẽ được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) tổ chức vào tuần tới và chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ. Tính đến mùa giải vừa kết thúc, đã có 12 năm lên chuyên nghiệp, thế nhưng bóng đá Việt Nam dường như vẫn đang ngụp lặn trong cái “ao làng”.


Với tư duy “ăn xổi” và “chiến lược mùa vụ”, không những không mang lại kết quả như mong muốn, mà còn khiến tương lai bóng đá nước nhà trở nên bất định.


Bước ngoặt đáng kể nhất của mùa giải 2011- 2012 chính là việc VFF chuyển giao quyền tổ chức các giải đấu (V.League, hạng nhất quốc gia) cho VPF. Thế nhưng, đây cũng là mùa giải để lại khá nhiều điều tiếng: Đạo đức cầu thủ sa sút, bạo lực sân cỏ leo thang, những tiếng còi méo của các ông “vua sân cỏ”, việc tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá kéo dài khiến quyền lợi của người hâm mộ bị thua thiệt... Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đã một thời gian dài chiếc ghế HLV trưởng phải để trống (vì không ai chịu nhận); cách làm bóng đá chụp giật, bằng mọi giá để gặt hái thành tích đã tạo tiền lệ xấu khi các ông chủ CLB dùng tiền thưởng để “kích cầu” thành tích…


Những gì diễn ra ở mùa giải vừa qua ở V.League cũng như ở góc độ đội tuyển quốc gia đã cho thấy những người điều hành bóng đá Việt Nam dường như đang bế tắc. Họ bế tắc trong việc hoạch định tương lai, bế tắc trong cả việc giải quyết những cản trở sự phát triển của bóng đá nước nhà, bế tắc trong cả việc giải quyết những vụ việc cụ thể: Không có giải pháp chặn đứng nạn móc ngoặc, đi đêm của các CLB, thiếu chuyên nghiệp trong tác phong sinh hoạt, thi đấu của các cầu thủ...


Hình như VFF vẫn loay hoay trong việc tìm một hướng đi thích hợp cho đội tuyển quốc gia. Từ việc học Xinhgapo nhập tịch cầu thủ ồ ạt, thuê huấn luyện viên ngoại cách đây vài năm, bóng đá Việt Nam quay trở lại sử dụng HLV nội, đào tạo cầu thủ trẻ theo cách làm của Thái Lan và Malaixia. Nhưng học theo kiểu “cóp nhặt”, thành ra kết quả mang lại rất hạn chế. Vấn đề không phải là cứ đào tạo ra nhiều cầu thủ trẻ, gắn cái mác tài năng và gom họ lại cùng với một ông thầy nội với một bản hợp đồng “thời vụ”... là thành công. Vấn đề ở chỗ, những cầu thủ trẻ không được đào tạo trong một môi trường thật sự chuyên nghiệp, không được tôi luyện đầy đủ, không được cọ xát thường xuyên (vì phải nhường chỗ cho ngoại binh ở giải đấu trong nước) và cũng không có khát vọng vươn lên trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, một HLV không dám dứt bỏ quyền lợi ở câu lạc bộ và chỉ nhận dẫn dắt đội tuyển trong một thời gian khiêm tốn (5 tháng), họ sẽ làm được gì cho đội tuyển! Rồi chất lượng chuyên môn, lối chơi cũng như thành tích của đội tuyển thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Rõ ràng, với việc tìm HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia và ký hợp đồng nhát một, giao kèo thành tích ở từng giải đấu…, mới thấy tầm nhìn của VFF không như những gì họ nói.


Nhìn sang Malaixia, với hai chức vô địch SEA Games vừa qua chính là giai đoạn hái quả ngọt sau quãng thời gian họ giấu mình để khổ luyện. Còn với bóng đá Việt Nam, sớm muộn gì thì cũng phải làm lại. Điều quan trọng là những người có trách nhiệm phải dũng cảm nhìn thẳng vào thực tại để thấy “con thuyền” bóng đá nước nhà hiện đang ở đâu? Hãy quên đi mục tiêu thành tích ở những giải đấu trước mắt để đầu tư chiều sâu. Đấy mới là cách làm căn cơ và hợp lòng dư luận.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN