Đòi hỏi sự thực chất

Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2013 (PAR Index) được Bộ Nội vụ công bố ngày 5/9 vừa qua, một lần nữa cho thấy công tác cải cách hành chính ở nước ta thực sự là vấn đề nóng, không chỉ ở các con số thống kê, mà còn ở năng lực làm việc cũng như thái độ phục vụ, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức...


Cần khẳng định rằng, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác cải cách thể chế, trong đó có việc cải cách cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả của bộ máy chính quyền, đáp ứng đòi hỏi của người dân. Tuy nhiên, dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cải cách hành chính ở nước ta vẫn là rào cản đối với sự phát triển đất nước. Nổi lên là sự thiếu công khai minh bạch, công khai về các thủ tục hành chính; vẫn tồn tại khâu trung gian, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp…


Trên thực tế, thời gian qua, thành hay bại trong cải cách hành chính vẫn là vấn đề con người. Trong báo cáo của Bộ Nội vụ về chỉ số cải cách hành chính, cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người, mà ở đây là cán bộ, công chức, người đứng đầu… Từ việc cần minh bạch trong tổ chức thi tuyển công chức, đến kiểm tra lề lối, giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức ở một số địa phương; từ việc nhân dân đóng góp ý kiến, đưa ra những nhận xét về chất lượng, phong cách ứng xử của cán bộ, công chức các sở, ngành, đến việc cấp dưới "chấm điểm" cán bộ cấp trên... Tất cả là nhằm mục đích: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cho xứng đáng là "công bộc của dân" trong một nền hành chính vì dân phục vụ.


Lâu nay, ở nhiều lĩnh vực, người dân, doanh nghiệp thường phàn nàn về việc họ bị sách nhiễu, bị gây trở ngại mỗi khi phải giải quyết các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, bộ, ngành chưa thực sự coi trọng công tác kiểm tra công vụ, đánh giá việc thực hiện công tác thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

 

Không ít công chức, viên chức hưởng lương công vụ, nhưng lại không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, không làm đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao, pháp luật quy định. Thói quen "ban phát", tâm lý "xin - cho" luôn thường trực trong suy nghĩ, phong cách ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là ở những ngành, nghề, lĩnh vực nhạy cảm (đất đai, xây dựng, tuyển công chức…). Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những nhận thức lệch lạc, làm nảy sinh hiện tượng, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu cùng nhiều hệ lụy khác, gây bức xúc trong nhân dân.


Với kết quả mà Bộ Nội vụ vừa công bố, có thể coi đây là việc làm cần thiết nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư duy trong công tác cải cách hành chính. Cần phải thấy rằng, việc lấy chỉ số hài lòng của dân làm thước đo đối với cán bộ, công chức.


Tuy nhiên, muốn xây dựng được nền hành chính thực sự minh bạch, phát huy hiệu quả đối với xã hội…, vấn đề không phải là đơn vị, địa phương này xếp vị trí bao nhiêu, mà quan trọng là cần một cuộc cải cách hành chính thực chất.


Yến Nhi

Hoàn thiện chỉ số cải cách hành chính
Hoàn thiện chỉ số cải cách hành chính

Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) được coi là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC trên các lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; CCHC công và hiện đại hóa nền hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN