Đổ dầu vào lửa

Trong khi người dân Ápganixtan vẫn chưa nguôi giận sau vụ bê bối đốt kinh Koran, vụ một binh sĩ Mỹ xả súng thảm sát 16 dân thường ngày 11/3/2012 đã như đổ thêm dầu vào lửa, khiến làn sóng chống Mỹ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ hơn. Mức độ nghiêm trọng của vụ việc lần này là rất lớn và sẽ làm trầm trọng thêm hoạt động của quân đội Mỹ tại quốc gia này.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng thừa nhận hoạt động của Mỹ tại Ápganixtan đã gặp rất nhiều khó khăn hay có thể gọi là "thảm kịch". Thậm chí, chính các cựu binh Mỹ còn tiết lộ sự thật căn cứ quân sự hỗn hợp Lewis McCord, nơi đồn trú của binh sĩ Mỹ đã tiến hành vụ thảm sát ngày 11/3, bị liệt vào hạng căn cứ hỗn loạn nhất, có bộ máy chỉ huy yếu kém và từng phải nhiều lần lập tòa án binh để xét xử các vụ binh sĩ Mỹ thảm sát người dân địa phương. Đương nhiên, trong chừng mực còn che giấu được, giới chức Mỹ không bao giờ để lộ thực trạng trên cũng như không thừa nhận rằng an ninh tại Ápganixtan vẫn diễn biến nghiêm trọng. Không chỉ như vậy, hơn 10 năm ở chiến trường Ápganixtan không hề cải thiện hình ảnh quân đội Mỹ mà ngược lại còn khiến cho tâm lý chống Mỹ ngày càng lan rộng. Theo giới phân tích Ápganixtan, chỉ có 2% dân số Ápganixtan được hưởng lợi từ sự hiện diện quân sự Mỹ, trong khi 98% còn lại đang sống trong cảnh nghèo đói bần cùng. Vụ việc ngày 11/3 càng khiến dư luận Ápganixtan lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều dân thường vô tội thiệt mạng nếu như nước Mỹ kéo dài sự can thiệp quân sự tại đây.

Chính vì vậy, trong bối cảnh việc rút quân Mỹ sẽ hoàn tất vào năm 2014, Oasinhtơn đã tìm mọi cách cứu vãn tình hình. Nhà Trắng biết rất rõ rằng kể cả khi có sự hiện diện của hơn 90.000 quân Mỹ và vũ khí hiện đại cũng không thể làm tình hình tốt hơn thì chắc chắn, việc Mỹ rời khỏi chiến trường này sẽ là cơ hội để cho Taliban và Al Qaeda trỗi dậy. Và như vậy, có thể nói là sự hiện diện của quân đội Mỹ hơn 10 năm tại Ápganixtan đã trở thành công cốc?

Các nhà phân tích Ápganixtan cho rằng nhiệm vụ của quân đội Mỹ đã thất bại. Dĩ nhiên, nước Mỹ sẽ không thừa nhận, song cho đến thời điểm này không thể nói rằng Oasinhtơn đã đạt được mục tiêu hỗ trợ Ápganixtan tái thiết đất nước, tạo lập hòa bình như Nhà Trắng đã xác lập khi quyết định can dự quân sự vào chiến trường Nam Á này.

Cẩm Tuyến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN