Để Iraq không tiếp tục là “vết xe đổ”

Những thành phố lớn ở Iraq liên tục thất thủ. Phiến quân đang ngày càng áp sát thủ đô Baghdad trước sự đầu hàng tương đối dễ dàng của quân chính phủ. Iraq đang đứng trước nguy cơ bị phân rã, đe dọa tình hình an ninh của khu vực.

Chính phủ Iraq vừa qua đã phải lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Cách đây 3 năm Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố kết thúc cuộc chiến gần một thập kỷ tại Iraq, đồng thời cam kết những kẻ khủng bố cũng sẽ sớm bị quét sạch ở chiến trường Afghanistan. Chưa kể tiền bạc và súng đạn, đã có hơn 4.400 binh sỹ Mỹ hy sinh để đổi lấy điều mà chính phủ nước này coi là “thắng lợi của cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq”. Giờ đây, sự xuất hiện của các phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) ở Mosul và Fallujah là một sự trêu ngươi với chính quyền Mỹ.

Sự tàn bạo của ISIL được cho là đến al Qaeda cũng phải “ngán”. Ở Mosul, chúng tung ảnh hành quyết dã man hàng chục binh sĩ Iraq. Khoảng 500 ngàn trong số 1 triệu dân của Mosul đã phải sơ tán. Chưa hết, các lực lượng an ninh của Iraq khi tháo chạy khỏi hai thành phố trên đã để lại rất nhiều súng đạn hạng nặng do quân đội Mỹ bàn giao, cùng với khoảng 500 triệu USD tiền mặt trong ngân hàng. Sẽ ra sao nếu số vũ khí và tiền mặt này đến tay các lực lượng Al Qaeda?

Đó hẳn là những điềm xấu đối với chính phủ Mỹ khi Tổng thống Obama đang nỗ lực hoàn tất cuộc chiến để rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Theo dự kiến, quân đội Mỹ sẽ để lại 9.600 binh sĩ duy trì an ninh, rồi sẽ rút hẳn sau 2 năm tiếp theo. Con số này là quá nhỏ ở một đất nước quá rộng, nơi lực lượng Taliban đang chiếm giữ phần lớn vùng biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.

Rõ ràng, kể cả ở những nơi mà Mỹ cho là “chiến thắng”, sau khi quân đội rút đi tình hình lại bắt đầu chuyển theo chiều hướng xấu. Với Iraq hiện nay, quốc gia này cần một chính phủ có đủ năng lực, đủ uy tín để đoàn kết mọi địa phương, sắc tộc, tôn giáo. Nội lực không đủ mạnh thì sau khi sự hỗ trợ từ bên ngoài rút đi, khoảng trống quyền lực sẽ được lấp đầy bởi thế lực xấu. Nước Mỹ một lần nữa sẽ rơi vào “vết xe đổ” của sự can thiệp thô bạo và hy sinh sinh mạng và tiền bạc của người dân một cách vô nghĩa.

Thành Vinh

Thủ tướng Iraq từ chối lập chính phủ dân tộc khẩn cấp
Thủ tướng Iraq từ chối lập chính phủ dân tộc khẩn cấp

Ngày 25/6, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã bác bỏ khả năng thành lập một chính phủ dân tộc khẩn cấp để đương đầu với cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo dòng Sunni đã chiếm giữ một phần lớn đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN