Cứu mũi Cà Mau

Thực ra không phải đến bây giờ người ta mới thấy mũi Cà Mau đang đứng trước nguy cơ bị biến mất mà cách nay nhiều năm những người dân đất mũi đã lo ngại điều này. Sự báo động đó đã được người dân, chính quyền và các cơ quan hữu quan nhận thấy khi biển xâm lấn ngày càng sâu vào đất mũi cách nay cả chục năm.

Một căn chòi phục vụ du khách ngắm biển ở mũi Cà Mau sắp "tuột" xuống biển do sạt lở đất. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Và các biện pháp bảo vệ mũi Cà Mau cũng đã được thực thi.

Những ai có may mắn được tới đất mũi không thể không nhận thấy những hàng cọc cừ bằng những thân dừa lão được đóng xuống ven bờ; sau này có cả một đoạn dài bờ biển khu vực đất mũi được xây kè đá tưởng chừng sẽ vững vàng trước biển. Nhưng tất cả những nỗ lực đó của con người không "trụ" lại được trước sóng biển. Những hàng cừ dừa chỉ qua một năm đã lại lìa xa bờ đứng chơ vơ ngoài biển hàng chục mét. Những kè đá cũng không thể làm bức tường chắn sóng mà chỉ qua một năm cũng trở thành những mỏm đá mấp mô trên sóng như những bãi đá ngầm. Mũi Cà Mau bị biển xâm lấn từng ngày, là điều mà trong nhiều năm gần đây ai cũng nhận thấy, kể cả người dân địa phương lẫn các du khách, dù chỉ mới lần đầu đặt chân tới. Bằng chứng là nhiều vết nứt dọc bờ biển; gặp lúc sóng to người ta còn thấy những tảng đất lở ầm ầm.

Khi mũi Cà Mau đang bị biến dạng và có nguy cơ biến mất sau một thời gian dài với những nỗ lực chống chọi với biển cả không thành, người ta mới "lắng" lại để tìm hiểu nguyên nhân. Rằng, phải chăng dòng hải lưu đã thay đổi khiến cho doi đất giữa biển Tây và biển Đông mà ta quen gọi là đất mũi cũng thay đổi vị trí? Phải chăng tác động của biến đổi khí hậu hay là do dòng Cửu Long chín khúc bị chặt ra thành nhiều khúc phía thượng du nên đã ngăn dòng phù sa bồi đắp cho đất mũi?

Không thể nói thực tế môi trường và địa lý đó không tác động đến vùng đất mũi!

Tuy nhiên chúng ta thử đặt lại vấn đề, nếu như hàng trăm, hàng ngàn năm trước khi dòng Cửu Long còn óng ánh phù sa, mà không có “phép màu” nào đó tác động, làm cho phù sa được tích tụ, thì không thể có vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long? “Phép màu” đó chính là những cánh rừng ngập mặn, nơi có những cây mắm, cây đước với bộ rễ cắm sâu vào lòng đất, rễ chúng đan xen vào nhau làm nên tấm lưới thiên nhiên giữ lại từng hạt phù sa. Phù sa "đi" đến đâu cây mắm, cây đước theo đến đó, mọc thành rừng làm thành lá chắn che chở cho từng tấc đất mới được bồi tụ trước sóng to gió cả của biển. Đồng bằng châu thổ Cửu Long được hình thành như vậy, kể cả đồng bằng châu thổ sông Hồng cũng được bồi tụ theo cách đó.

Vì vậy mà ngày nay ta vẫn thấy những vùng rừng sú vẹt ven biển đồng bằng sông Hồng và rừng mắm đước ven biển Cà Mau, những cánh rừng ngập mặn này vẫn tiếp tục sứ mệnh đối với những vùng "đất biết đi". Ở đâu có rừng sú, vẹt hay rừng mắm, đước thì ở đó bãi biển được bồi tụ; khu vực bãi bồi biển Tây của bán đảo Cà Mau là một minh chứng. Ngược lại ở đâu rừng ngập mặn biến mất thì đất cũng mất theo.

Mũi Cà Mau đang có nguy cơ bị mất cũng là do những cánh rừng ngập mặn đang bị tàn phá. Do đó, muốn cứu mũi Cà Mau thì trước hết phải cứu lấy những cánh rừng này.

Nguyễn Quang Vinh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN