Chuẩn mực ứng xử của người Tràng An

Hà Nội vừa hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và dự kiến cuối năm nay sẽ được thành phố ban hành. Bộ quy tắc này nhấn mạnh các nội dung: Ứng xử văn minh, lịch sự, tôn trọng, thân ái, chia sẻ, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ cảnh quan môi trường… Bộ quy tắc mang tính chất thông điệp, làm căn cứ tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục mọi người ứng xử văn minh theo chuẩn mực của xã hội.

Xây dựng những chuẩn mực ứng xử để làm nền tảng cho chương trình phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Hà Nội đặt ra từ nhiều năm nay. Đây được coi là bộ khung để mỗi người dân Thủ đô điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo truyền thống của người Tràng An, của vùng đất nghìn năm văn hiến. Đây cũng là hành động nhằm cụ thể hóa Chương trình "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2015 - 2020” của thành phố.

Có lẽ vì thế mà Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được dư luận xã hội đón nhận và coi đây là một chủ trương lớn của thành phố cần sớm được cụ thể hóa. Vấn đề đặt ra, xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng là đòi hỏi cấp bách từ thực tế, nhưng mức độ thành công đến đâu còn tùy thuộc vào sự chuyển biến trong ý thức và hành động của mỗi người. Hay nói cách khác, ứng xử văn minh nơi công cộng chỉ có thể được hình thành và duy trì lâu bền khi được xây dựng trên nền tảng của nhận thức, trách nhiệm và hành động của mỗi người dân Thủ đô.

Một trong những quy định được nêu trong bộ quy tắc là mọi người có ý thức chấp hành các quy định có tính nguyên tắc tại nơi công cộng. Bộ quy tắc cũng đề cập những quy tắc ứng xử chung và ứng xử cụ thể cho từng địa điểm, như ở các điểm vui chơi giải trí (vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên); khu vực tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; nhà ga, bến tàu, thuyền, bến ô tô... Phương thức triển khai là tuyên truyền, giáo dục một cách có hệ thống, áp dụng trên tất cả các lĩnh vực để mọi người cùng hiểu, cùng thực hiện, sao cho bộ quy tắc nhanh “ngấm” vào cuộc sống.

Thanh lịch, văn minh, hào hoa là văn hóa người Hà Nội.

Đã một thời gian dài, dù là Thủ đô nghìn năm văn hiến, phong cách ứng xử của người dân mang đậm dấu ấn riêng, song những nét đẹp trong lối sống, giao tiếp của người dân Hà Nội có phần bị ảnh hưởng từ sự thay đổi từ môi trường sống hiện đại. Từ lâu, Hà Nội đã ý thức rõ sự cần thiết của việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, với nòng cốt là xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa... Bởi vậy, một loạt chương trình xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh lịch sự đã được thành phố phát động, tuy nhiên hiệu quả đem lại hết sức khiêm tốn.

Thực tế cho thấy, hành vi ứng xử thiếu văn hóa không chỉ ở việc chuyện nói tục, chửi bậy, mà nó còn thể hiện qua nhiều cách ứng xử khác như viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng, chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng tham gia các dịch vụ công cộng, sẵn sàng gây gổ, sử dụng lời nói tục tĩu khi xảy ra mâu thuẫn cá nhân... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng có điểm chung là môi trường xã hội thiếu lành mạnh đã tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách, thể hiện qua hành vi ứng xử, lối sống của từng cá nhân. Những hành vi ứng xử như vậy, không chỉ làm suy giảm đạo đức của cá nhân, truyền thống tương thân tương ái, mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của Thủ đô.

Vẫn biết, Bộ quy tắc ứng xử không thể một sớm một chiều đi vào cuộc sống, nhưng rất cần Hà Nội sớm đưa ra được giải pháp tổng thể để mỗi người dân phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết, có lối sống lành mạnh, tinh thần tương thân tương ái, làm những việc có ích. Đó cũng là nhân tố bảo đảm cho Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội nhanh chóng phát huy giá trị trong cuộc sống.
Yến Nhi
Dẫu không thanh lịch …

Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, là đất ngàn năm văn vật...Vì thế từ xa xưa nếu nói về phong thái, cốt cách của con người và vùng đất Hà Nội – Thăng Long, người ta thường nghĩ ngay đến câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN