Chất độc da cam, cuộc chiến với số phận nghiệt ngã

Mọi cuộc chiến tranh từ xưa đến nay của nhân loại đều để lại những hậu quả nghiêm trọng với đời sống con người. Nhưng chắc chắn không có gì để lại nỗi đau dai dẳng, âm ỉ và độc ác với con người như chất độc màu da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam từ năm 1961.


Năm nay đã là 51 năm kể từ ngày những lít chất độc màu da cam đầu tiên được quân đội Mỹ rải xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam. Hơn 37 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những cánh rừng bị chất độc màu da cam tàn phá trơ trụi đã kịp hồi sinh, những hố bom đã kịp san lấp cho đồng ruộng xanh lúa, ngô, khoai nhưng với những người bị nhiễm chất độc da cam thì cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn từ thế hệ này đến thế hệ khác.Đây là cuộc chiến với số phận nghiệt ngã, không ai có thể thay thế được; nếu có chỉ là sự trợ giúp, chia sẻ, cảm thông hầu giúp sức cho họ bình tâm vượt qua số phận đầy đau thương mà chất độc da cam gieo cho họ.


Hơn 3 triệu người bị nhiễm chất độc màu da cam là hơn 3 triệu nạn nhân chiến tranh theo đúng nghĩa của từ này. Trong số đó có rất nhiều người sinh ra không được toàn vẹn, họ thiếu những bộ phận của tạo hóa, thiếu cả trí tuệ; và rất nhiều người dù được sinh ra nhưng không được sống cuộc sống của con người, không được làm người thật sự. Bản thân những người làm cha, làm mẹ của những nạn nhân ấy đang “chết dần” cùng với những đứa con của họ; từng giờ từng phút họ đau với nỗi đau giống nòi bị hủy diệt. Đó là nỗi đau tận cùng của con người, không có vật chất nào bù đắp nổi. Điều đó nói lên rằng, khi chất độc màu da cam được dùng làm vũ khí thì cuộc chiến tranh đó là phi nhân tính nhất trong lịch sử chiến tranh.


Dân tộc ta suốt ngàn năm đánh giặc đã chịu đựng biết bao âm mưu, quỉ kế của kẻ thù. Từ chính sách đồng hóa của ngàn năm Bắc thuộc đến hành động hủy diệt văn hóa và “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” của phong kiến phương Bắc… đều là những chính sách phi nhân tính với con người, nhằm hủy diệt mọi giá trị văn hóa, tinh thần của cả dân tộc. Với chất độc da cam/dioxin cỗ máy chiến tranh của Mỹ đã hủy diệt không chỉ mỗi con người mà còn hủy diệt nhiều thế hệ; đó là một cuộc hủy diệt toàn diện môi trường sống.


Trong số những nạn nhân chất độc màu da cam có rất nhiều người trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhiều người sống trong vùng căn cứ kháng chiến; dân chúng sống quanh các căn cứ của kẻ địch. Thời gian càng lùi xa, đến bây giờ không ai có thể nhận ra họ đã từng là anh giải phóng, chị thanh niên xung phong, hay gia đình cơ sở cách mạng hoặc thường dân; mà tất cả đều qui vào một mẫu số chung: Họ là những “người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”.


Vì vậy, cùng với chính sách của Nhà nước đối với những người tham gia kháng chiến và chính sách an sinh xã hội, tất cả các nạn nhân chất độc da cam ngày càng cần hơn sự chung tay góp sức của cả cộng đồng; chăm lo cho họ và con cái họ - những người sinh ra không được lành lặn - để họ có một cuộc sống bình thường, có đủ nghị lực vượt qua nỗi đau nghiệt ngã của số phận. Điều đó vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công; cũng thể hiện tinh thần tương thân, tương ái,” lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Đồng thời, chúng ra phải tiếp tục đấu tranh đòi những nhà sản xuất chất độc màu da cam/dioxin phải bồi thường cho các nạn nhân. Dù chúng ta thừa hiểu không thể nào kêu gọi sự thức tỉnh lương tâm của kẻ lái súng nhưng công lý nhất định phải chiến thắng để thế giới này không còn phải chứng kiến một “nỗi đau da cam” nào nữa.



Nguyễn Quang Vinh

Quỹ Vì nỗi đau da cam TTXVN- Chung tay hàn gắn những nỗi đau
Quỹ Vì nỗi đau da cam TTXVN- Chung tay hàn gắn những nỗi đau

Là cơ quan báo chí đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân... việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là ý nguyện, tình cảm tự nhiên của tập thể cán bộ, phóng viên TTXVN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN