Chân trời mới cho vấn đề Iran

Một tháng sau khi thế giới đạt được thỏa thuận đột phá về vấn đề Syria, cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) với Iran cũng đã diễn ra tại Geneva, mang lại cho cộng đồng quốc tế tia hy vọng mới cho một trong những điểm nóng địa chính trị được quan tâm nhất hiện nay.


Trong ngày đầu tiên, cuộc thảo luận dưới sự chủ trì của quan chức Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong bầu không khí khá tích cực. Phía Iran có bài phát biểu với tiêu đề "Khép lại cuộc khủng hoảng không cần thiết và mở ra chân trời mới", trong đó nêu ra những đề nghị được các bên thảo luận chi tiết. Bên lề cuộc đàm phán cũng đã diễn ra các cuộc gặp song phương EU-Iran, Mỹ-Iran, được đánh giá là “trong bầu không khí xây dựng” và “tích cực”. Sang ngày thứ hai, Iran thậm chí chấp nhận để các nhà quan sát phương Tây vào thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình.


Ý tưởng nối lại đàm phán lần này được chính Tehran chủ động đưa ra. Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 8 vừa qua, Tổng thống Hassan Rowhani nói nước ông cam kết đảm bảo sự minh bạch về chương trình hạt nhân của mình, đổi lại phương Tây cần hủy bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Iran. Ông Rowhani đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng trước - cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nguyên thủ quốc gia hai nước trong vòng hơn 3 thập kỷ qua kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.


Iran đã thể hiện sự quan tâm nghiêm túc tới hiệu quả đàm phán khi đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo cho nước này quyền nghiên cứu hạt nhân độc lập vì mục đích hòa bình. Bên cạnh đó, Tehran cũng dự định có những bước đi nhằm củng cố niềm tin đối với phương Tây, hướng tới việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận hiện đang áp đặt đối với nước này.


Mặc dù vòng đàm phán mới nhất chưa đủ xung lực để phá tan những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ qua xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran, nhưng việc các bên đều tới bàn đàm phán bằng một tinh thần thiện chí phần nào cũng xoa dịu những lo ngại về khả năng bùng nổ một cuộc chiến mới tại khu vực Trung Đông.


Cuộc đàm phán cũng là “phép thử” bước đầu đối với các cam kết mềm mỏng của tân Tổng thống Iran Rowhani, là cơ hội tốt cho cả Iran và phương Tây tận dụng để xây dựng lòng tin, tạo bước đệm cải thiện mối quan hệ giữa Iran và cộng đồng quốc tế.


Tuy nhiên, để có thể đi tới thành công, các nhà đàm phán ở Geneva cần thể hiện quyết tâm và thiện chí thực sự của mỗi bên. Đối với Tổng thống Rowhani, thỏa thuận tạm thời chưa phải là cái đích hướng tới vì trước mắt ông là nhiệm vụ thuyết phục phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc khôi phục kinh tế của Iran. Với Mỹ, mục tiêu sẽ là giải quyết triệt để chương trình hạt nhân của Iran nhằm đảm bảo lợi ích và ảnh hưởng của họ ở Trung Đông. Dù sao đi nữa, đây chính là thời điểm để hai bên đề ra một chiến lược dài hạn nhằm mở ra một “chân trời mới” thực sự cho điểm nóng Trung Đông này.


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneve)

Rào cản nội bộ của ông Obama trong vấn đề Iran
Rào cản nội bộ của ông Obama trong vấn đề Iran

Khi Iran và nhóm P5+1 bước vào vòng đàm phán tại Geneva, nhiều người hy vọng hai bên sẽ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và chính quyền Iran có thể trở thành một đối tác của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề gai góc nhất của Tổng thống Mỹ Obama không xuất phát từ đối thủ, mà là từ nội bộ và đồng minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN