Cầu viện

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) chống chính phủ Libi do nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi đứng đầu đang rơi vào bế tắc, không ngạc nhiên khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8), diễn ra tại Pháp trong hai ngày 26-27/5, lại “cầu viện” Nga làm trung gian giải quyết xung đột.

Thực ra, đề nghị trên đã được Thủ tướng Libi Bagdadi Mahmudi đưa ra trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngay tối 26/5. Có nghĩa là cả phía chính quyền Libi và phương Tây đều hiểu có thể có giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này, đặc biệt là dưới vai trò trung gian hòa giải của Nga. Lịch sử cho thấy Mátxcơva cũng đã từng lập kỳ tích trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999 khi dùng ngoại giao để đẩy lùi thuốc súng. Khi máy bay các lực lượng NATO dội bom xuống Xécbia (như những gì đang diễn ra tại Libi) thì Nga lặng lẽ theo đuổi chính sách ngoại giao và đem lại một giải pháp hòa bình kịp thời tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Cologne năm đó. Trong bối cảnh tương tự, có lẽ G-8 lại mong muốn điều kỳ diệu một lần nữa xảy ra.

Cuộc chiến ở Libi đang chiếm hầu hết sự quan tâm của các lãnh đạo G-8, thậm chí là trên cả những vấn đề nhức nhối và cấp bách của thế giới hiện nay như cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, tình trạng thất nghiệp hay sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu.

Rõ ràng, giải pháp của NATO tại Libi không khác gì một ví dụ điển hình của lập luận: "Khởi động một cuộc chiến thì dễ, duy trì cuộc chiến đã khó và rút khỏi cuộc chiến còn khó hơn". Điều gì đã xảy ra tại Irắc? Cái gì đang tiếp diễn tại Ápganixtan? Nay, các câu hỏi đó đang lặp lại với trường hợp Libi. NATO liên tục tiến hành các cuộc không kích Libi trong bối cảnh dường như chính bản thân tổ chức quân sự này cũng chưa có chiến lược rõ ràng để thoát khỏi cuộc chiến này. Hai trong số các nước đồng minh là Anh và Pháp đã bắt đầu công khai cãi vã nhau về việc dùng máy bay trực thăng để áp sát tấn công nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi. Như nhìn nhận của chính giới thì những cuộc tấn công đó chỉ nhằm tiêu diệt ông Kadhafi và không hề “bảo vệ dân thường” như lý do để phương Tây bắt đầu dội bom xuống Libi cách đây 2 tháng.


Rốt cuộc, cuộc khủng hoảng Libi chỉ có thể đi đến “kết thúc có hậu” một khi độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Bắc Phi này được tôn trọng và nhân dân Libi được tự quyết định công việc nội bộ của mình.

Đỗ Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN