Cầu nối chính quyền với dân

Những ngày gần đây, đường dây nóng bỗng được dư luận đặc biệt quan tâm, khi đường dây nóng của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ sau 2 ngày hoạt động, đã tiếp nhận trên dưới 2.000 cuộc gọi và tin nhắn gửi đến người lãnh đạo cao nhất thành phố, phản ánh, đề cập nhiều vấn đề dân sinh nóng bỏng.

Không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo nhiều ngành, tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng cũng đã công bố số điện thoại cá nhân, địa chỉ email hoặc lập trang facebook để tiếp nhận thông tin từ người dân. Ngành y tế cũng xây dựng đường dây nóng tại các bệnh viện và đây được coi là một giải pháp hữu hiệu giúp người dân và bệnh viện có sự tương tác với nhau, giúp lãnh đạo ngành y tế phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, hay thái độ cư xử không đúng mực của y, bác sĩ…

Không còn nghi ngờ gì, việc xây đường dây nóng xuất phát từ đòi hỏi cấp bách của cuộc sống và đã trở thành kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo hiểu dân và người dân cũng gần với người lãnh đạo hơn. Nói cách khác, đường dây nóng không chỉ giúp lãnh đạo hiểu được những bức xúc cũng như những gì người dân dân cần; mà thông qua đường dây nóng, người dân có thể “hiến kế” để góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhiều năm trở lại đây, qua nhiều kênh thông tin, trong đó có đường dây nóng, lãnh đạo nhiều ngành, địa phương thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu những ý kiến đóng góp của dân phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong lĩnh vực chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển giáo dục, thu hút nhân tài...

Chính quyền lắng nghe ý kiến người dân là nhằm phục vụ lợi ích chung, lợi ích của cả cộng đồng. Còn với người dân, khi họ dũng cảm vạch trần, đấu tranh với cái xấu, cái ác, đóng góp ý tưởng,… cũng là thể hiện lòng yêu nước, mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển chung.

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc giải quyết thấu đáo thông tin được người dân phản ánh cũng là vấn đề cần được xem xét với tinh thần trách nhiệm cao. Khi người dân cần gửi gắm nhiều thông tin đến đường dây nóng, là khi trách nhiệm và vai trò của chính quyền cơ sở đối với dân ngày càng được đặt trước với nhiều câu hỏi. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, nếu lãnh đạo chính quyền địa phương làm tròn bổn phận với dân, thì chắc rằng, người lãnh đạo cao nhất của thành phố không phải nhận quá nhiều những bức xúc từ người dân thành phố chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Hiệu quả của đường dây nóng đến đâu còn tùy thuộc vào sự chuyển biến thực chất trong ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, từng cấp, ngành và của từng cán bộ, công chức, viên chức. Hay nói cách khác, đường dây nóng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi nó được xây dựng trên nền tảng của nhận thức, trách nhiệm của người lãnh đạo và hành động của từng cán bộ, công chức và của cả hệ thống chính trị.
Yến Nhi
Không để doanh nghiệp, người dân chờ đợi

Có điểm trùng hợp, bước vào những ngày làm việc đầu năm, lãnh đạo của hai thành phố lớn nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều quán triệt lãnh đạo các đơn vị, địa phương chấm dứt ngay các hoạt động chúc tụng đầu năm, tập trung ngay vào công việc, không để người dân, doanh nghiệp chờ đợi; đồng thời tổ chức kiểm tra công vụ đột xuất, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm. Động thái trên thể hiện một phong cách làm việc mới, sự quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị trong việc thay đổi lề lối, phương thức làm việc trong bộ máy công quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN