Câu hỏi về trách nhiệm

Cuối cùng thì vụ xe taxi chở Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) đâm gẫy đùi một học sinh lớp 2 trong sân trường đã được làm sáng tỏ và vị hiệu trưởng đã bị đình chỉ chức vụ và bị điều chuyển làm công việc khác. Tuy nhiên, dư luận chưa hài lòng với cái kết như vậy, khi mà những dấu hỏi về trách nhiệm của vị hiệu trưởng nhà trường vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Sự việc sẽ không tới mức phức tạp và gây ồn dào dư luận nếu người trong cuộc có thái độ trung thực, thành khẩn nhận lỗi. Theo lời của cháu Trần Chí Kiên, thì cháu bị một chiếc xe taxi đi vào sân trường đâm phải, khi đó cháu thấy cô hiệu trưởng và một cô giáo khác đang ngồi trong xe. Tuy nhiên, bà hiệu trưởng, người ngồi trên chiếc xe đâm vào cháu Kiên lại chối phăng, cố tình che giấu sự thật, đồng thời tìm mọi cách lái sự việc theo chiều hướng khác.

Sau hơn 2 tháng vụ việc xảy ra, bà hiệu trưởng vẫn chưa thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, giải thích vòng vo về nguyên nhân của vụ tai nạn. Chính sự thiếu trung thực của bà hiệu trưởng đã làm vụ việc bị đẩy xa hơn, khiến các bậc phụ huynh và dư luận bất bình.

Sự thật chỉ được phanh phui khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và bà hiệu trưởng cuối cùng đã phải thừa nhận sự thật. Hôm đó, sau khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Việt Đức, bà thuê xe taxi trở về trường cùng một giáo viên khác. Bà hiệu trưởng cho phép taxi đi thẳng vào sân trường và sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Thời gian gần đây, dư luận lên tiếng nhiều về tình trạng suy giảm đạo đức trong học sinh, sinh viên và cho rằng, đó là sự xuống cấp đáng báo động. Thực trạng trên cũng đặt ra vấn đề, việc rèn luyện nhân cách học sinh, sinh viên rất cần có một mẫu hình để hướng tới, một trong những hình mẫu đó chính là tấm gương của người thầy.

Với vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Nam Trung Yên và cách ứng xử của người làm nghề gõ đầu trẻ này, ít nhiều làm xấu đi hình ảnh nhà giáo, nguy hại hơn đã gây tác động tiêu cực tới môi trường giáo dục. Đáng lý, với cương vị của người làm thầy, ngoài việc trang bị kiến thức, dạy cho học sinh điều hay lẽ phải, thì người thầy cũng phải làm gương về lòng thật thà, dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm.

Một vụ việc khác cũng xảy ra vào những ngày đầu năm tại một trường học ở Thủ đô: Một nữ sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) bị bỏng nặng trong giờ thực hành Hóa - Sinh, tố nhà trường cố tình giấu giếm sự việc, không có hình thức kỷ luật kịp thời các cá nhân có trách nhiệm.

Phải hơn một tháng sau, nữ sinh bị nạn đưa sự việc lên facebook cá nhân, thì lãnh đạo nhà trường mới lên tiếng, chỉ đạo giải quyết sự việc, đồng thời có văn bản thông báo sự việc, gửi các cơ quan thông tin đại chúng. Lãnh đạo nhà trường đã thừa nhận, sự việc được xử lý quá chậm, gây bức xúc dư luận xã hội và tạo tâm lý không tốt cho đội ngũ giáo viên cũng như học sinh của trường.

Vụ việc đáng tiếc xảy ra ở trường tiểu học Nam Trung Yên, trường THPT Phan Đình Phùng và một số vụ việc tương tự xảy ra tại một số cơ sở giáo dục trong cả nước, có điểm chung là trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan chưa được làm rõ, thậm chí bị xem nhẹ, né tránh. Phải thấy rằng, môi trường giáo dục có tính đặc thù, nếu người công tác giáo dục không thường xuyên tu dưỡng đạo đức, tình yêu thương, đùm bọc học sinh, người làm công tác quản lý giáo dục không dám chịu trách nhiệm, thì ai dám chắc, những vụ việc tương tự sẽ không còn xảy ra. 

Yến Nhi
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước gắn trách nhiệm người đứng đầu
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước gắn trách nhiệm người đứng đầu

Tại hội nghị “Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2017” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 14/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, cổ phần hóa là cơ hội tái sinh cho các doanh nghiệp nhưng đầy thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN