Nhiều người nhận xét rằng, kịch bản mua bán bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam đang có kết cục chẳng khác gì 4 năm về trước: Một mức giá khủng được đưa ra (37,5 triệu USD) cho 3 mùa giải (2013 - 2016). Khác chăng, là kẻ thâu tóm nó không phải là Công ty MP&Silva (Italia), mà là một tập đoàn đến từ bên kia bán cầu (IMG - Hoa Kỳ). Câu hỏi đặt ra là ai đủ dũng cảm bỏ cả đống tiền ra để mua trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái? Liệu có cuộc chạy đua nào để giành cho được quyền phát sóng giải bóng đá được cho là hấp dẫn nhất hành tinh?
Cách đây ba mùa bóng, Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) đã chấp nhận bỏ thầu 4 triệu USD để giành quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh giai đoạn 2010 - 2013. Có lẽ vào thời điểm đó, vì mới thành lập, nên VTC chấp nhận sự thua thiệt với hy vọng sẽ tạo được chỗ đứng trong khán giả xem truyền hình.
Sự việc có lẽ đã xuôi chèo mát mái nếu không có sự xuất hiện của K+. Thế rồi “gà nhà đá nhau” và bắt được cơ hội này, đối tác (MP&Silva) đã không ngần ngại thổi giá lên gấp gần 5 lần giá họ đưa ra ban đầu (lên tới 18 triệu USD). Lẽ tất nhiên, là ai trả giá cao hơn thì người đó giành được quyền phát sóng. Cũng thật dễ hiểu, của đắt thì không thể miễn phí, do vậy mà K+ khi giành được phần thắng, đã làm khó người hâm mộ bằng cách ép họ phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua đầu thu cùng phí thuê bao tới vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.
Thời điểm ấy, đã dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội hành động của K+. Sự độc quyền, sự chạy đua bằng mọi giá của K+ ngay lập tức phải đón nhận sự công kích quyết liệt của nhiều đài truyền hình (cả Trung ương và địa phương), thể hiện qua các văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng, bộ chủ quản, thông qua hình thức trả lời bạn xem truyền hình, trả lời phỏng vấn báo chí... Đáng phê phán hơn cả, chính sự độc quyền của K+, đã khiến cho việc thưởng thức những trận đấu hay tại giải Ngoại hạng Anh của người hâm mộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phần lớn khán giả đã không được xem những trận đấu của ngày chủ nhật (thường là những trận cầu đinh). Còn những đài truyền hình không đủ sức cạnh tranh, đành phải chấp nhận mua những gói phát sóng có giá mềm hơn, tức là chỉ có quyền phát sóng những trận đấu ngoài chủ nhật để phục vụ số đông công chúng.
Không hiểu, sau sự việc K+, các đài truyền hình ở Việt Nam có rút ra cho mình bài học gì? Hay vẫn “cố đấm ăn xôi” và tiếp tục làm ngơ trước quyền lợi của khán giả? Liệu người hâm mộ bóng đá nước nhà sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để được thưởng thức những trận cầu mình ưa thích? Những câu hỏi thật không dễ trả lời, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân Việt Nam chưa cao, kinh tế nước ta còn nghèo?
Thật tiếc là trong vài ngày gần đây, lại xuất hiện luồng ý kiến ủng hộ việc mua bản quyền với giá khủng sau khi họ dẫn ra một vài so sánh cùng sự mách nước cũ rèm (xé lẻ gói độc quyền rồi bán lại) và nhắm tới cái đích thu hồi vốn bằng cách móc hầu bao người hâm mộ. Nên nhớ, ở thời điểm này, người hâm mộ đã thông thái hơn thời điểm 4 năm về trước rất nhiều. Họ không dễ bị bòn mót một cách phi lý; họ cũng sẵn sàng rời bỏ máy thu hình, tìm cho mình những cách xem tuy chưa thật mỹ mãn, nhưng cũng đủ giải tỏa được cơn khát vì trót đam mê trái bóng từ xứ sở sương mù (xem qua mạng internet).
Xin giơ cả hai tay ủng hộ ý kiến của một quan chức thuộc một kênh truyền hình trả tiền rằng: Hãy kêu gọi các nhà đài cùng tẩy chay IMG, nhất quyết không mua lại bản quyền của họ bằng mọi giá. Không có bóng đá Anh thì vẫn còn đó những giải bóng đá đỉnh cao khác mà người hâm mộ có thể tưởng thưởng mà chẳng tốn một xu (giải Đức, Tây Ban Nha, Italia, Pháp...). Còn ở góc độ kinh tế, các nhà đài Việt Nam xin đừng phung phí tiền của một lần nữa, mà hãy dành số tiền đó để đầu tư vào những việc có ích cho tương lai.
Yến Nhi