Bước chuyển trong quản lý xe đưa đón học sinh

Xe đưa đón học sinh tạo ra sự tiện lợi cho các bậc phụ huynh, nhưng cũng làm xuất hiện nhiều vấn đề, không chỉ là vi phạm giao thông.

Chú thích ảnh
Xe đưa đón học sinh sắp có màu sơn riêng để nhận diện. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Đưa đón học sinh bằng ô tô là dịch vụ phổ biến, nhất là tại thành phố lớn. Có xe đưa đón học sinh, phụ huynh yên tâm công tác do con cái ổn định giờ giấc học tập và được đảm bảo an toàn. Ấy là mong muốn của bất cứ ông bố, bà mẹ nào gửi gắm con mình trên những chuyến xe đi, về giữa gia đình và nhà trường. Nhưng ngay tại thủ đô, chuyện thường thấy hằng ngày trên nhiều tuyến đường, con phố lại là tình trạng xe đưa đón học sinh đi lấn làn, dừng đỗ sai quy định.

Chỉ riêng những lỗi nêu trên, vừa qua, lực lượng thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính 41 trường hợp với số tiền lên tới hơn 182 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý 23 trường hợp vi phạm về điều kiện phương tiện, niêm yết không đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe ô tô chở hành khách hoặc không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Một trường hợp người điều khiển xe ô tô thậm chí còn không có giấy phép lái xe, không mang theo giấy đăng ký xe.

Ở các nơi xa, như huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), theo Đài Truyền hình tỉnh này ngày 24/12, đáng chú ý là việc phương tiện đưa đón học sinh chở vượt quá số người quy định, có xe vượt 2 – 3 lần số ghế đăng ký. Do không đủ chổ ngồi, thậm chí là cả chỗ đứng, nhiều học sinh đã phải bám víu gần cửa xe, rất dễ xảy ra mất an toàn. Nhưng nguy hiểm hơn, như số liệu được Đài Truyền hình Hà Tĩnh dẫn lại, là trong số hơn 100 phương tiện làm dịch vụ đưa đón học sinh ở Hà Tĩnh có nhiều xe xe trong tình trạng cũ nát, hết niên hạn sử dụng, nhưng hằng ngày vẫn vô tư đưa đón học sinh đi, về.

Những gì xảy ra với xe đưa đón học sinh ở Hà Nội, Hà Tĩnh cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao những năm qua, tại không ít địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan tới xe đưa đón học sinh dẫn tới thương vong đáng tiếc. Lỗi do phương tiện không đảm bảo chất lượng, an toàn có; lỗi do lái xe không đáp ứng được tiêu chuẩn có và lỗi do nhân viên quản lý trên xe thiếu trách nhiệm cũng có.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng đến nay vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể nào về loại hình xe đưa đón học sinh. Thay vào đó, việc đưa đón học sinh mới chỉ dừng ở mức thỏa thuận giữa nhà trường với các đơn vị kinh doanh vận tải hoặc giữa cá nhân với các bậc cha mẹ học sinh hay giữa phụ huynh với đơn vị kinh doanh vận tải. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý trong việc nắm bắt số lượng xe đưa đón học sinh hoặc công tác kiểm tra, rà soát với doanh nghiệp tham gia loại hình dịch vụ trên. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã không thể nhận diện ngay được phương tiện đưa đón học sinh để hỗ trợ khi cần thiết cũng như để xử lý vi phạm.

Chú thích ảnh
Cần xây dựng quy định, tiêu chuẩn về xe ô tô đưa đón học sinh. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Điều đáng mừng là thực trạng này sẽ sớm được khắc phục.

Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh, định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, các cơ sở giáo dục tổng hợp số liệu báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải và Công an địa phương về hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn để kiểm tra, giám sát. Kiên quyết không để các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn tham gia đưa đón học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.

Thủ tướng còn yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn giao thông vận tải phối hợp, hướng dẫn các nhà trường tổ chức xe đưa đón học sinh phù hợp lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; mỗi xe phải bố trí ít nhất một quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi; lái xe, quản lý học sinh phải được tập huấn để nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; bố trí điểm dừng đón, trả tại khu vực trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh bảo đảm an toàn giao thông.

Tin rằng với sự chỉ đạo người người đứng đầu chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sắp tới, những quy định về xe đưa đón học sinh sẽ được đưa vào Luật Đường bộ sửa đổi, phương tiện đặc thù này sẽ không gây ra vấn đề, ngược lại sẽ mang đến sự an tâm cho các bậc phụ huynh, sự an toàn cho trẻ đi xe cũng như sự trật tự trong tham gia giao thông.

Hà Ngọc/Báo Tin tức
Cấp bách hồi sinh ‘sông chết’ ở thủ đô
Cấp bách hồi sinh ‘sông chết’ ở thủ đô

Nhiều năm nay, sông Lừ được gọi với cái tên “dòng sông chết” và dù đứng xa dòng sông hàng trăm mét nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN