Bộ “gánh” vất vả thay dân

Sau hơn chục năm triển khai thi “ba chung”, năm 2014, Bộ GD - ĐT chính thức đưa ra 3 phương án thi gộp 2 kỳ thi làm một. Trong 3 phương án được Bộ GD - ĐT đưa ra, phương án 2 và 3 đòi hỏi khâu tổ chức dụng công hơn trước rất nhiều.


Cụ thể phương án 2 hòa trộn 8 môn học (Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ) tổng hợp thành 5 bài thi gồm: bài thi Toán; bài thi Ngữ văn; bài thi Ngoại ngữ; bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí). Phương án 3 hòa trộn toàn bộ 11 môn học thành 4 bài thi: Bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ.


Nói thì nhanh nhưng thực hiện thì không hề đơn giản. Để có thể tổng hợp kiến thức các môn học khác nhau thành các bài thi và thi trong một buổi, những người làm công tác tổ chức thi phải hết sức vất vả. Từ khâu ra đề, coi thi, tập huấn, chấm thi, bồi dưỡng giáo viên..., đều cần sự nỗ lực của toàn ngành. Riêng đề thi, không phải việc kết hợp cơ học kiến thức của mỗi môn học vào một phần, mà là sự lồng ghép để đạt mục tiêu kiểm tra kiến thức một cách tổng thể. Yêu cầu về đề bài thi cho các phương án thi đổi mới là nội dung câu hỏi phải bao hàm 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

 

Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó). Thời gian dành cho mỗi môn thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do vậy việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao để phân hóa trình độ học sinh nhằm phục vụ tốt cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ là khó khăn hơn. Việc chấm thi cũng không đơn giản: các bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm một bài thi.


Tuy nhiên, những khó khăn đó không thể ngăn được chủ trương đổi mới thi cử, bởi lẽ những lợi ích của kết hợp 2 kỳ thi làm một, đặc biệt là của việc kết hợp các môn học để tăng số môn phải thi lên, là rất rõ ràng: Giảm tốn kém cho xã hội (thông qua việc sử dụng một kết quả thi cho 2 mục đích: xét tốt nghiêp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ) và hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây, tránh tình trạng học lệch của học sinh...


Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phân tích: “Dù chọn phương án nào nhưng nếu có khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì chúng ta vẫn nên làm vì chúng ta đặt lên trên tất cả lợi ích của xã hội, trước mắt là của các cháu và phụ huynh”.


Vậy là như trước đây, Bộ GD- ĐT đã phải đứng ra tổ chức thi “3 chung” để gánh những tự phát và tiêu cực trong tuyển sinh tự chủ tại hàng trăm trường ĐH, CĐ, nay, Bộ GD- ĐT đang phải đứng trước những thách thức trên lộ trình đổi mới thi cử, cũng là để hoàn thiện cho toàn hệ thống giáo dục nước nhà: Sao cho giảm gánh nặng cho người học, đánh giá sát thực, khách quan trình độ nhân lực và bảo đảm công bằng xã hội.


Làm được điều đó, thực sự là “Bộ đã gánh vất vả thay dân”, nên cũng rất cần được sự đồng thuận ủng hộ của toàn xã hội để có những quyết sách thực sự đổi mới, xứng tầm.

 

Thái Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN