Bài học sâu sắc cho những 'công bộc của dân'

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao việc 5 cán bộ, nhân viên thuộc Phòng Quản lý hồ sơ, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đi lễ đền Mẫu tại TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) trong giờ hành chính và việc Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương), cùng một số viên chức, người lao động của Trung tâm đi lễ đầu năm trong giờ làm việc.

Cũng phải nói, đây không phải là chuyện hiếm sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Năm nào, báo chí cũng có thông tin cơ quan này, đơn vị nọ sử dụng xe công đi lễ hội, hay công sở vắng bóng cán bộ, công chức, viên chức trong giờ hành chính… Nhưng, thông tin rồi cũng như “đá ném ao bèo” và chẳng mấy ai bị “vạch” mặt, chỉ tên đến mức “rùm beng” như những ngày qua.

Nhiều người đã nói vui rằng: “xui xẻo”, thiếu kín đáo mới bị phát hiện và phán ánh lên báo, đài. Chưa ai thống kê được, trong số hàng trăm lễ hội đầu Xuân, hàng nghìn người đi trẩy hội, lễ chùa ấy, có bao nhiêu cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc đi lễ, chơi hội.

Điều đó cho thấy tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức. Sự việc có lẽ đã trở nên đáng báo động, đến mức, ngay ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài 1 tuần, mùng 2/2 (tức mùng 6 Tết), người đứng đầu Chính phủ đã phải ban hành một công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ.

Công điện nêu rõ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Tinh thần Công điện đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu, giờ đầu năm mới, phấn đấu tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; quán triệt chủ đề hành động năm 2017 của Chính phủ là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm.

Có lẽ do ý thức trách nhiệm chưa tốt và thói quen cố hữu “nhờn” quy định nên các cán bộ, công chức, viên chức trên vẫn bất chấp. Xét thấy có dấu hiệu vi phạm kỷ luật lao động, ngay trong chiều 8/2 (một ngày sau thông tin phản ánh của báo chí), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã thành lập Hội đồng kỷ luật do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Chủ tịch để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức Bùi Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu; giao Cục Xúc tiến thương mại, theo phân cấp quản lý cán bộ, thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với các viên chức và người lao động khác đã tham gia đi lễ trong giờ làm việc.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cũng đã lên tiếng sẽ xử lý nghiêm vụ cán bộ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đi lễ trong giờ làm việc. Hình thức kỷ luật được Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đưa ra là hạ thi đua xuống mức thấp nhất (loại C) trong quý I/2017 đối với 5 cá nhân vi phạm quy định của cơ quan. Ngày 8/2, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả các cán bộ viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công cho việc đi lễ, hội.

Đây là bài học sâu sắc cho mỗi cơ quan, đơn vị trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức và cũng là sự việc để mỗi người "công bộc của dân" thêm phần trách nhiệm với từng lời nói, hành động của mình. Và sự việc đó cũng cần phải được các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm để giữ kỷ cương, phép nước. Đã đến lúc cần siết lại kỷ cương từ những việc nhỏ nhất đúng theo Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Sau Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cấm nhân viên đi lễ hội trong giờ hành chính
Sau Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cấm nhân viên đi lễ hội trong giờ hành chính

Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các đơn vị không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN