Ẩn họa từ các công trình xây dựng

Dư luận chưa hết bàng hoàng về hai vụ tai nạn lao động (TNLĐ) liên tiếp tại dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội cách đây chưa lâu, thì ngày 4/12, lại xảy ra vụ rơi thang tải vật liệu ở tòa nhà Lilama, số 52 Lĩnh Nam (Hà Nội) khiến 3 người thương vong.

 Xâu chuỗi các vụ TNLĐ gần đây cho thấy lỗ hổng trong công tác bảo đảm an toàn lao động và rất nhiều câu hỏi cần được trả lời: Quy trình thực hiện an toàn lao động? Trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát…?

Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, những vụ TNLĐ liên quan đến các công trình xây dựng chiếm hơn 30% tổng số các vụ tai nạn. Phần lớn chủ dự án, công trình, người sử dụng lao động chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn lao động, chủ yếu là phó mặc cho chủ thầu và đơn vị thi công. Nhiều chủ thầu quan niệm lao động trong lĩnh vực xây dựng chỉ mang tính thời vụ, do vậy không quan tâm đến việc tập huấn về an toàn cho người lao động, nếu có thì cũng làm chiếu lệ, đối phó. Bên cạnh đó, các điều kiện và quy tắc bảo đảm an toàn lao động cũng bị xem nhẹ, như cho người đi lại trong khu vực công trường, không có hàng rào tạm và người cảnh giới khi triển khai thi công.

Đáng quan ngại, nguy cơ mất an toàn không chỉ ở bên trong những công trình xây dựng, mà còn lan ra khu vực xung quanh, gây bất ổn cho cộng đồng. Vẫn biết, việc thi công dự án tại các đô thị lớn luôn gặp nhiều khó khăn về mặt bằng thi công, sức ép về tiến độ, chất lượng công trình... Thế nhưng, không thể lấy đó để biện minh cho những sự cố đáng tiếc xảy ra, nhất là khi sự cố đó đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Có ý kiến cho rằng, để xảy ra tai nạn lao động chắc chắn trách nhiệm phải thuộc về nhà thầu khi không tuân thủ quy trình, biện pháp thi công, thiết bị không bảo đảm an toàn… Tuy nhiên, cũng không thể đổ hết lỗi cho nhà thầu, bởi nếu tư vấn giám sát, đại diện chủ đầu tư… làm việc có trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, thì không dễ gì họ bị nhà thầu "qua mặt".

Phân tích nguyên nhân để xảy ra các vụ tai nạn lao động, có thể thấy rằng, bên cạnh việc công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, thì còn do chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Các mức xử phạt (chủ yếu là phạt tiền) không có tác dụng phòng ngừa, dẫn đến việc coi thường tính mạng của người lao động. Thêm vào đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa hiệu quả, khiến các chủ đầu tư thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định về an toàn lao động. Thực tế, nguyên nhân các vụ tai nạn lao động trước hết là do sự thiếu trách nhiệm, coi thường pháp luật cũng như sinh mạng con người của cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công, bộ phận tư vấn giám sát. Nhiều chủ đầu tư không làm hết trách nhiệm nên dẫn tới sự cố kỹ thuật, nghiêm trọng là xảy ra tai nạn gây chết người.

Từ một số vụ tai nạn xảy ra tại các công trình xây dựng trong thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề cần phải có chế tài mạnh đối với các nhà thầu thi công ẩu, không bảo đảm sự an toàn cần thiết. Nói cách khác, phải siết lại việc thực hiện quy định quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, nhất là các công trình gần khu dân cư, khu đô thị.
Yến Nhi
Vụ lở núi tại mỏ đá Hoàng Anh không phải là tai nạn lao động
Vụ lở núi tại mỏ đá Hoàng Anh không phải là tai nạn lao động

Những ngày gần đây, xuất hiện thông tin về vụ hàng chục ngàn m3 đá từ trên núi bị sạt lở thuộc khu vực khai thác đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh), chôn vùi 1 chiếc máy xúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN